Chuyện mưa cùng họa sĩ

Tạp Chí Nhân Đạo
Chiều mưa. Những cơn não nùng của đất trời chợt đến trên vùng non cao xanh miên man vào một ngày đầu hạ. Xa vắng, thăm thẳm như chìm vào từng "hạt ngọc trời" rơi rơi vỡ tạch xuống nền đá thô. Bên kia là khoảng rộng, một góc nhà sàn im êm, tiếng chuông gió lẫn trong âm thanh lư chuyển dìu dặt của cây nêu to. Trong đầu tôi lãng đãng với ý nghĩ: Nếu gập bức tranh mưa này lại, sẽ còn được những gì?

Cái nét buồn đượm trên gương mặt của những con người từng trải, nếm dư vị đắng chát mà cuộc đời vịn vào nơi họ. Chú và tôi, hai thế hệ, hai phép thử thế gian nhưng giờ đây lại có dịp ngồi đối diện nhau trong quán nhỏ, chờ ráo tạnh... Câu chuyện đời cứ như vô vàn không kể hết, người họa sỹ già với phước mặt sáng, đường chân mày đậm, mắt thẳm buồn quay ngược dòng suy tư về những ngày trước giải phóng. Dòng đời với bao biến cố thăng trầm nhưng cũng nhiều đãi ngộ vì sự ngưỡng vọng dành cho tài năng của chú. Thời còn là một cậu bé bán cá ở chợ Bà Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh) suốt ngày người tanh hôi, không có lấy một người bạn, nhưng đã nổi tiếng với biệt danh "cậu bé lạng cá hai dao" (nghĩa là cắt cá rất khéo chỉ bằng hai nhát dao bén ngọt). Đêm về ngủ nhờ trong rạp hát cho qua thời gian.

chuyen-mua-cung-hoa-si

Chú trầm ngâm nhớ về người thầy đầu tiên, là một anh sinh viên tên Tuấn ở đối diện trong xóm Nước Lụt mà sau này lưu lạc, tìm mãi không gặp. Lúc đầu thấy anh Tuấn say sưa vẽ, chú lượm lại những mẩu màu thừa, mấy tờ giấy vẽ phác vứt vào sọt rác. Dù gánh nặng mưu sinh đã choàng lên đôi vai nhỏ gầy guộc nhưng tâm hồn của cậu bé lên mười vẫn là sự hiếu kỳ, ngây ngô. Mỗi lần cậu lén qua nhìn bức họa của anh Tuấn, về chép lại màu lên tờ giấy phác thảo đạt độ hoàn hảo kinh ngạc, đến nỗi anh Tuấn tình cờ ghé qua, nhìn thấy thì lầm tưởng rằng đó là tranh của mình.

 Giờ chú đã là một bóng cả, tán rộng đến tận Úc Châu, đạt một số giải thưởng quốc tế về hội họa, còn tôi, bé mọn! Nhưng rồi chú rút ra một tập giấy Canson bên trong hai miếng bìa cứng, thường được dùng làm giá vẽ lưu động và bảo vệ tranh phác thảo, thứ mà lúc nào chú cũng mang theo bên mình. Chú ngắm từng mảng miếng ánh sáng tạt qua gương mặt tròn của tôi. Chấm phác từng nét trên giấy nhanh như người ta viết chữ, mà mọi người đều biết đó là kí họa chân dung. Trong đầu tôi là một thoáng thiền, mọi vết hằn quá khứ tạc vào trong tranh, lưu lại đó vài khắc. Thi thoảng, tôi không kiềm được cười mỉm chi: bé mọn ư? Vậy mà được cả họa sĩ tài danh vẽ cho đấy!

Chú vừa di bút xuống nền giấy gồ, vừa trêu vài câu hóm hỉnh vì sợ tôi căng thẳng:

- Mai mốt có khi chú phải về lại đây mua lại tranh của cháu đấy! hay lúc chú mất rồi, tranh coi chừng có giá lắm đó...

 Mưa vẫn rí rắc, nhẹ phủ giọt nước đuôi kim lên cỏ xanh rì hòa vào điệu hát nơi núi rừng Tây Nguyên. Người nghệ sĩ phác qua vài nét đậm nhạt rồi đưa tranh cho tôi xem. Vẻ đượm buồn trong đôi mắt, đôi môi khắc khoải pha nét cổ hủ của một đứa con gái gốc miền Trung qua thời trẻ dại, có lẽ tôi đã trở thành một phụ nữ chững chạc khá lâu vì tuổi xuân chìm trong những giấc mộng nổi trôi.

- Chú "bắt hồn" con khéo quá! Đây là bức kí họa mà con ưng ý nhất ...

Rồi chú hứa sẽ vẽ thêm cho tôi một bức toàn thân bằng sơn dầu khi trở về. Nếu từ trưa đến giờ, chú vẽ tranh bán kiếm tiền chắc đã kiếm được mấy ngàn đô ở Úc, nhưng chú bảo lang thang cùng với tôi lại có giá trị riêng của nó. Cả giai điệu "Dâng em lối nhỏ xinh, uốn quanh hồ xanh suối vắng. Dâng em mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về... Anh không biết làm thơ, không hát lời hay có cánh. Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà..." như lời tỏ tình của trai buôn, gái bản nghe sao mà ngọt ngào, thật thà đến lạ. Con mắt nghệ sĩ luôn nhìn mọi thứ theo cách riêng của họ, chẳng hạn một mặt bàn xù xì xấu xí, khi cho tôi xem nó qua máy ảnh, những đường vân gỗ nhờ ánh đèn bật lên thật đẹp. Chú đùa "Nếu anh bạn họa sĩ cùng phòng mà bí đề tài thì chú sẽ đưa cho để vẽ tranh trừu tượng", rồi cười hồn nhiên như cậu trẻ.

 Vì dành tình thương cho trẻ con, chú vẫn đến lớp ươm những mầm non đam mê cầm bút tô trên giấy. Mỗi tiết dạy của ông thầy già râm rang tiếng trẻ thơ trong veo. Chú chẳng theo một thứ giáo trình, khuôn khổ nào mà phương pháp chính là gợi cho các em tình yêu dành cho nghệ thuật, dành cho hội họa. Nhiều lứa học trò của chú lớn lên cùng một góc kỷ niệm đầy màu sắc. Thu nhập từ nghề giáo chẳng đáng là bao, mà chú còn chuẩn bị sẵn giấy, bút chì và màu để bọn nhỏ chẳng khi nào lấy cớ quên đồ mà rảnh rang. "Văn ôn võ luyện" là lời khuyên chân thành của một người từng trải trong nghề. Nếu có bẩm khiếu trời cho thì anh sẽ tiến nhanh hơn, nhưng vẫn cần đến sự luyện tập tinh tấn. Đó là lý do lúc nào chú cũng kiếm cớ cho bản thân mình phải vẽ, và tất nhiên những đứa học trò cũng vậy.

 Chú kể, có lần chú đến thăm một người bạn nhạc sĩ. Trong nhà bạn có treo một số bức tranh mà nhạc sĩ đích thân vẽ, rất cầu kỳ nhưng chú cảm thấy bố cục của chúng vẫn thiếu sự cân xứng, hài hòa. Trong lúc uống trà trò truyện, chú giãi bày tâm sự với bạn mình: "Anh là một nhạc sĩ, anh sáng tác nhạc nhiều năm, hiếm người giỏi bằng anh, anh chỉ cần ký tên thôi là đủ có giá trị. Anh không cần phải vẽ tranh, thứ mà anh không chuyên". Người bạn suy ngẫm hồi lâu, chẳng giận hờn, cho rằng bạn mình nói phải nên dừng vẽ tranh, chuyên tâm sáng tác nhạc.

 Trời chẳng thể mưa mãi và chúng tôi lại đi, lên những bậc thang gỗ chênh vênh ướt trượt. Người tình cờ gặp người qua mái lá, chú cháu tôi lại trong một phên tranh cùng người chủ nhân của khu du lịch. Người đàn ông đến từ Hội An này cũng là một văn nghệ sĩ đậm chất. Chính anh là người sáng tác những bản tình ca núi rừng dễ thương mà chúng tôi được nghe dọc đường đi. Anh sở hữu một phòng tranh khá ấn tượng của nhiều họa sĩ tên tuổi. Như cùng đồng điệu với niềm say nghệ thuật, cảm hứng dâng lên và lần này chú lại vẽ một bức truyền thần cho vị doanh nhân- nghệ sĩ đó.

 Chú cháu tôi cuối cùng cũng rời khu hoa cỏ thông reo để về đến đường lộ trước lúc trời tối. Phố đã lên đèn, chiếu dài trên những con đường nhộn nhịp xe cộ. Một buổi trải nghiệm đi khá xa, dù có nét mệt mỏi và lạnh giá, nhưng gương mặt chú vẫn ánh lên vẻ hài lòng, ấm áp.

 Tôi gặp lại chú tại một phòng trà nổi danh ở phố núi, nơi hàng đêm họ vẫn ru những tình khúc bất hủ của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... bằng thanh âm ngọt ngào, cuốn hút nhiều người mộ điệu đến thưởng thức. Chú đã tặng tôi một món quà thật quý giá, đó là bức tranh sơn dầu vẽ chính tôi. Khi mở lớp giấy bọc ra xem, tôi như chết lặng vì ngỡ ngàng và xúc động, không nói nên lời. Chú còn dặn "Đừng có bán tranh của chú rẻ quá nghe!".

 Ánh đèn vàng của phố núi dịu dàng như trăng, tỏa xuống một góc đường, nhưng vẫn nhường một phần bóng đổ cho tòa nhà lớn bên cạnh. Mọi thứ cứ như trong một bức sơn dầu hoàn hảo kì diệu trong mắt tôi. Có lẽ vì vui sướng và hạnh phúc! Tôi cười, đáp lại chú:

- Chú à, giờ chú đã nổi tiếng, dù sau này chú có nổi "cồn cào" hơn nữa, thì cháu sẽ chẳng bao giờ bán bức tranh này. Vì đó là kỷ niệm vô giá!

                                                                                                 Đà Lạt, 25/04/2017

* Họa sĩ Đặng Kim Long, sinh năm 1955 tại Gia Định. Tốt nghiệp trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định khóa 1968-1972