Chiến dịch “lấy lại vỉa hè” cho người đi bộ: Đừng quên chuyện “cơm áo” của gánh hàng rong!

Tạp Chí Nhân Đạo
Để giải quyết căn cơ vấn đề lấn chiếm lòng - lề đường hiện nay, bên cạnh việc siết chặt kỷ cương thì các cấp chính quyền cũng cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là những người chỉ có một nghề duy nhất là “bám” vỉa hè mưu sinh...

Thời gian vừa qua, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội đều ra quân rầm rộ, xử phạt quyết liệt những hành vi lấn chiếm lòng - lề đường nhằm lập lại trật tự đô thị, kết quả bước đầu đã giúp nhiều tuyến phố trở nên thông thoáng hơn, được dư luận đồng tình ủng hộ. Và theo quyết định này, những người bán hàng rong sẽ phải chấp hành chủ trương của thành phố, nhưng bên cạnh đó, họ cũng trĩu nặng tâm tư, bởi lâu nay, “gánh hàng rong” là miếng cơm manh áo của nhiều gia đình nghèo.

chien-dich-lay-lai-via-he-cho-nguoi-di-bo-dung-quen-chuyen-com-ao-cua-ganh-hang-rong
Ảnh minh họa.

Về đâu những thân phận “bám” vỉa hè mưu sinh

Hầu hết, những người bán hàng rong trên vỉa hè là dân nghèo ở các tỉnh lân cận. Khắp các con phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người bán rong với đôi quang gánh hay chiếc xe đạp thô sơ của mình chở đầy hoa quả và đồ ăn.

Chị Trần Mỹ Xuyên (TP.HCM) trăn trở: “Có biết bao nhiêu dân nghèo chỉ bám lấy vỉa hè để kiếm tiền nuôi con ăn học, giờ dẹp hết thì lấy tiền đâu ra. Đất chật người đông, thuê nhà cũng khó. Tôi có bà dì bán hàng ở vỉa hè Hà Nội giờ dẹp không cho bán mấy ngày nay chẳng có tiền, đi tìm thuê nhà bán hàng thì đắt đỏ. Đã khổ giờ lại càng khổ thêm”.

Một số người bán hàng rong cho hay, thời điểm này họ luôn sống trong trạng thái thấp thỏm lo sợ sẽ mất kế sinh nhai.“Thời buổi buôn bán bình thường vốn đã khó khăn, giờ bị thu hàng hóa, phương tiện kinh doanh, đồng thời phải đóng tiền phạt nữa thì quá tội. Không bán hàng rong chẳng còn biết làm gì khác, già rồi không ai thuê giúp việc cả”, bà Hường (62 tuổi, quê Thái Bình) than vãn.

Hơn 30 năm “bám” vỉa hè kiếm sống ở góc phố Tô Hiến Thành - Hà Nội với hàng nước chè nhỏ, giờ bà Nguyễn Thị Tim phải tính về lại quê tìm cách khác mưu sinh. Song chặng đường phía trước đối với bà thật gian nan, bởi tuổi cao sức yếu, bà không làm được công việc nặng nhọc, mà con cái không có, chỉ trông vào đứa cháu. “Còn “bám” được vào vỉa hè, bán mấy cốc nước sống qua ngày thì được, nay công an phường không cho, coi như tôi cũng mất nguồn sống”, bà Tim chia sẻ.

Bên cạnh những chia sẻ, thông cảm khi người dân “bám” vỉa hè mất đi nguồn sống và công việc hàng ngày, thì cũng có những ý kiến rất khách quan cho rằng, nhìn về mặt tích cực, nhiều người lao động nghèo vẫn sống tốt bằng chính những công việc chính đáng, làm ruộng đồng ở các vùng quê tỉnh lẻ. Cái lợi nhuận từ doanh thu quán cóc vỉa hè quá lớn đã làm rất nhiều người bỏ hết các công việc vất vả ở quê nhà mà lao đầu vào các thành phố để sống. Và cũng chính cái khéo lý đó đã góp phần làm cho các thành phố lớn ùn tắc giao thông đáng sợ như ngày nay. Người dân họ phải tự thay đổi để phù hợp với cuộc sống ngày càng văn minh hơn, đó là quy luật!

Vẫn còn đó những bất công

Sau gần 1 tháng ra quân, đến nay cơ bản các tuyến phố ở các quận nội thành Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Tại các tuyến phố, việc sắp xếp phương tiện đã đúng quy định, gọn gàng hơn, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông được tháo dỡ. Tuy nhiên, theo quan sát, tình trạng tái chiếm vỉa hè kiểu lác đác, chỗ này chỗ kia vẫn còn xảy ra vào buổi trưa ở hầu hết các tuyến phố. Đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ kinh doanh  hàng cơm, quán cà phê, người bán hàng rong…

Nhiều người dân vẫn thắc mắc một số các quán nhậu chiếm dụng vỉa hè vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, chưa bị dẹp... Điển hình là khu vực đường Tạ Hiện (Hà Nội) trong khu vực phố cổ, cứ 17h, hàng quán đã bày bàn ghế tràn lan, chỉ còn một đường đi rất nhỏ. Tình trạng tương tự xảy ra phổ biến ở nhiều phố cổ (Hà Nội), nơi có đông khách du lịch qua lại.

Điều đáng nói, khi phát hiện có đoàn kiểm tra thì họ chấp hành hoặc đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khi không có đoàn kiểm tra thì hoạt động trở lại và tiếp tục vi phạm.

Mặc dù đây chỉ là  số ít nhưng đã tạo ra sự mất công bằng, trong khi hầu hết những hộ kinh doanh nhỏ nghiêm túc chấp hành thì vẫn có không ít hộ không chấp hành, vẫn ngang nhiên buôn bán. Dư luận cho rằng, sự tồn tại của những hộ kinh doanh  ngang nhiên trong thời điểm này phải chăng vẫn có sự “bảo kê” của chính các đơn vị quản lý vỉa hè, đường phố…?! Hiện tượng này nếu không kịp thời xử lý, chắc chắn sẽ trở thành gương xấu dẫn tới trào lưu lấn chiếm vỉa hè, đường phố quay trở lại.

Bài toán việc làm cho người dân

Quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè cần được người dân ủng hộ, đồng tình và phải được làm bài bản, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Song, bài toán dân sinh cũng cần được nghiêm túc tính đến. Bởi vỉa hè là nơi sinh ra miếng cơm, manh áo của nhiều người dân nghèo.

Mong mỏi của người dân cũng được lãnh đạo các thành phố quan tâm, trăn trở, đề ra phương án giải quyết kịp thời. Chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc về đề án kinh doanh vỉa hè với UBND Q.1 và Q.4.

 Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận cho hay, đề án khu ẩm thực kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường ở quận nhằm tổ chức, sắp xếp cho người có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Trong giai đoạn thí điểm, Q.1 sẽ bố trí 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở quận. Thời gian kinh doanh từ 6 - 9 giờ và từ 11 - 13 giờ và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế sau một tháng thí điểm…

Cùng với việc tổ chức điểm bán hàng rong, UBND Q.1 cũng tổ chức lực lượng y tế thường xuyên tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng que test nhanh kiểm tra thực phẩm; liên hệ với các công ty như Vissan, Cholimex để cung cấp thực phẩm sạch; khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến. Người bán cũng phải mặc đồng phục theo quy định. Ban đầu các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vật dụng, bàn ghế. “Đây là đề án được Q.1 rất tâm huyết để làm sao giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề lập lại trật tự vỉa hè gắn với việc tổ chức lại đời sống của bà con lao động nghèo”, ông Thuận nói.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đề án này chỉ là tạm thời vì mục tiêu lâu dài vỉa hè phải dành cho người đi bộ, nhưng trong điều kiện hiện tại thì cần có bước đi thích hợp, có lộ trình để giải quyết nhu cầu mua bán, kinh doanh cho người dân nghèo. “Q.1 phải nghiên cứu, thống kê đầy đủ các hộ nghèo để giúp đỡ. Những trường hợp nào chưa được bố trí kinh doanh vỉa hè thì không được để bà con đói, các cháu bỏ học, không để tình trạng cho vay nặng lãi rồi vi phạm pháp luật. Nếu có khó khăn gì phải báo ngay cho TP”, ông Tuyến chỉ đạo.

Song song với TP.HCM, các sở, ngành liên quan tại Hà Nội cũng sẽ phải  tổ chức sắp xếp lại các điểm giao thông tĩnh, các khu vực kinh doanh, buôn bán, “chợ cóc, chợ tạm” đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Sở LĐ-TB&XH tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu tham mưu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hướng nghiệp cho người lao động hiện có nguồn thu nhập chính dựa vào việc kinh doanh chiếm lòng đường, hè phố...

Rõ ràng, cuộc chiến đòi lại vỉa hè không chỉ đơn thuần là cuộc chiến làm đẹp lại đô thị. Nó còn là cuộc chiến trả cái đúng về chỗ của mình, cuộc chiến đòi lại những dòng tiền lẽ ra phải đổ vào ngân sách một cách minh bạch, chứ không phải được chi cho những nhũng nhiễu, bảo kê và tạo nên mầm bệnh gây nên những vấn nạn xã hội. Nó cũng là cuộc chiến để những người giàu, những người đang kinh doanh trên thân xác vỉa hè phải hiểu và thực hiện trách nhiệm mà họ phải có đối với xã hội. Việc“đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ sẽ có kết quả bền vững hơn khi gắn liền với công tác chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường. Vì khi vỉa hè trước nhà mình sạch, đẹp, thông thoáng… theo tâm lý tự nhiên, chắc chắn sẽ có không ít người cẩn trọng hơn trong việc sử dụng vỉa hè.