Cần biết: 5 điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo từ 01/7/2018

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2018 và thay thế Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.

Cụ thể, ngày 15/5/2018 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2018 và thay thế Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.

Theo đó, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 3 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường họp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 6 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

an treo
Cần biết những điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo. (Ảnh minh họa) 

3. Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình Sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 2 lần trở lên.

Án treo là gì?

Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về bản chất pháp lý, người bị Tòa án tuyên án treo vẫn là người có tội, có án, nhưng được miễn thực hiện bản án đó có điều kiện.

Điều 60 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về án treo như sau

1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Tòa án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về bản chất pháp lý, người bị Tòa án tuyên án treo vẫn là người có tội, có án, nhưng được miễn thực hiện bản án đó có điều kiện.

(* Lưu ý: Thông tin trên mang tính chất tìm hiểu, tham khảo.)

Đại Lộc