Các nhà băng đang ưu tiên vốn vào lĩnh vực nào?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Có 5 nhóm ngành, lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ kết nối vay vốn là phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.
Ngan_hang_dang_rot_von_vao_linh_vuc_nao2
Ảnh minh họa

Ngay từ tháng 1/2018, NHNN đã có văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Tổ chức tín dụng cần hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Agribank VietinBank, Vietcombank, BIDV và nay là SHB đã lần lượt công bố giảm thêm 0,5% lãi suất đối với lĩnh vực ưu tiên. VPBank giảm lãi suất 0,5-1% cho doanh nghiệp SME (nhỏ và vừa) hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.

Trong khi đó, MBBank điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Đồng thời, ngân hàng này dành 5.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh thuộc các đối tượng ưu tiên của Chính phủ, sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ tại MB, gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi cũng được BIDV áp dụng cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, như Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp lớn; Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp siêu nhỏ/doanh nghiệp khởi nghiệp; Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay phát triển khách hàng doanh nghiệp nước ngoài; Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh nhân dịp Tết Mậu Tuất…

Một ví dụ điển hình có thể thấy bức tranh chung “rót vốn ngành ngân hàng” là ở TP Hồ Chí Minh. Theo đó, năm 2018, có 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ kết nối vay vốn là phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với mức lãi suất ngắn hạn là 6,5%/năm.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn có sự thay đổi theo hướng đi vào chiều sâu, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo phương châm “Thiết thực - Hiệu quả”. Cụ thể, triển khai cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện kết nối theo chuyên đề, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp… nhằm đa dạng hóa lĩnh vực cho vay; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các kênh đối thoại doanh nghiệp với chính quyền thành phố, nắm bắt và giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ vốn vay lần này có tính đến yếu tố giảm lãi suất cho doanh nghiệp theo hướng lãi suất khoản vay mới phải giảm so với lãi suất khoản vay cũ liền kề. Trong khi đó, theo số liệu thống kê năm 2017, chương trình đã hỗ trợ 15.778 khách hàng vay vốn, đạt 302.989 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2016.

Duy trì chỉ số tín dụng ổn định

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) chia sẻ, theo số liệu cập nhật mới nhất của NHNN, tín dụng đã tăng trưởng trên 5%. Đáng chú ý là, tín dụng nông nghiệp tăng với tốc độ rất mạnh.

“Tín dụng nông nghiệp hiện đạt tổng dư nợ trên 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 5,8%, trong khi tín dụng công nghiệp chỉ tăng 3,75%. Hiện tại, tín dụng nông nghiệp chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Tới đây, nếu Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung, chắc chắn tín dụng nông nghiệp sẽ còn tăng rất mạnh”, ông Hùng nói.

So tốc độ tăng trưởng tín dụng năm ngoái, tín dụng năm nay có tốc độ tăng chậm hơn, song không đáng kể. Điểm chung của tăng trưởng tín dụng trong vài năm gần đây là tăng đều trong các tháng, nên mục tiêu tăng trưởng 17% năm nay là khả thi

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, tuy năm 2018, tăng trưởng tín dụng không quá mạnh, nhưng đồng vốn được sử dụng hiệu quả hơn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. TS Lực cho rằng, NHNN cần tiếp tục chú trọng chất lượng tăng trưởng tín dụng, chứ không nên tìm mọi cách đạt được con số mục tiêu này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải thúc đẩy các giải pháp phát triển thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng.

Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP ở nước ta là 130%, khá cao so với khu vực và thế giới. Đây cũng là lý do khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị Việt Nam thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng, nhất là khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn hạn chế. Việc tín dụng tăng cao liên tiếp nhiều năm qua, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm, đã khiến nhiều ngân hàng bị sụt giảm hệ số an toàn vốn và khó đáp ứng các yêu cầu của Hiệp ước Basel II. 

Chi Chi