Các mô hình tiêu biểu trong công tác phòng chống thiên tai

Tạp Chí Nhân Đạo
Việt Nam nằm trong miền nhiệt đới ẩm, gió mùa, cộng thêm hình dạng lãnh thổ có một bờ biển dài trên 3.000km do đó phải hứng chịu tác động của nhiều loại thiên tai biển gây ra, nhất là bão lũ. Để chủ động phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các tỉnh, thành phố ven biển nước ta đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có nhiều mô hình hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong mưa lũ tại Nghệ An

Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai

Là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên trong thời gian qua, Nghệ An luôn chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, tỉnh lấy lực lượng Quân đội, Công an và dân quân tự vệ làm nòng cốt, cùng với trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng hiện có để tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và Nhân dân.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, công tác tìm kiếm cứu nạn luôn được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, khi có tình huống tổ chức trực cao điểm 24/24 giờ, bám sát địa bàn, sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, từ đó tiến hành cứu nạn, xử lý các tình huống với nhiều phương tiện cùng tham gia.

Toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hệ thống tổ chức ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ cấp tỉnh đến cấp xã được xây dựng theo bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp làm nhiệm vụ thường trực về phòng, chống thiên tai; Cơ quan quân sự các cấp làm nhiệm vụ thường trực về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 121 phương tiện cứu nạn cứu hộ, 81 ô tô, 10.130 trang thiết bị phòng chống thiên tai, cháy nổ và quân cụ cầm tay, tình trạng sử dụng tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các phương tiện được Trung ương cấp gồm các loại phao tròn, áo phao, nhà bạt, xuồng ST 650, ST 450 đã phát huy hiệu quả.

Tỉnh Nghệ An thường xuyên cử các cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo của Trung ương. Trong năm 2018 và 2019, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn lái tàu xuồng cao tốc và nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 53 lớp tập huấn về phòng ngừa thảm họa, sơ cứu ban đầu cho hơn 1.750 học viên. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy, tập huấn nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn cho 264 cán bộ, chiến sĩ trong ngành.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai tiếp tục triển khai mô hình điểm trong phòng chống thiên tai tại xã Hưng Nhân; Tổ chức được 1 lớp tập huấn với 40 học viên cho xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên trong khuôn khổ dự án Xây dựng mô hình thí điểm xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng Nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Nghệ An đã đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và hoạt động ứng phó sự cố với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và các huyện biên giới nước bạn Lào ở thượng nguồn sông Cả. Đồng thời, tỉnh cũng tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu 100% cơ quan ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được kiện toàn đúng theo quy định; Thiết lập cơ chế xã hội hoá hoạt động ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đầu tư, xây dựng, mua sắm các vật chất, trang thiết bị chuyên dụng phù hợp phục vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030.

Xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với tính chất của đô thị

Đà Nẵng là một trong những thành phố ven biển có tốc độ phát triển kinh tế xã hội mạnh nhất ở nước ta hiện nay. Mặc dù có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên hằng năm Đà Nẵng cũng phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Do đó, thành phố Đà Nẵng rất quan tâm vấn đề thiên tai trong đô thị và vấn đề này đã được tính toán. Thành phố xây dựng phương án cụ thể tích hợp trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm có sự chuẩn bị phòng chống, ứng phó tốt nhất, phù hợp nhất với quy hoạch phát triển không gian đô thị.

Giai đoạn 2016 - 2019, Đà Nẵng đã thực hiện di dân khỏi vùng thiên tai và bố trí tái định cư ổn định cho 117 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Năm 2020, UBND thành phố bố trí kinh phí 639 triệu đồng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình bố trí ổn định dân cư tránh vùng thiên tai.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Phó Trưởng ban Thường trực, cùng với sự tham gia của các sở, ngành như Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Tương tự như cấp thành phố, UBND các địa phương thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và được kiện toàn hằng năm để chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý.

Hằng năm, phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được các cấp, ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... nhất là các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Từ năm 2017 đến 2019, thành phố đã tổ chức 13 đợt diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho 13 xã, phường trên địa bàn thành phố.

Để gia tăng mật độ và tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn nhằm cung cấp số liệu chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác cảnh báo sớm mưa, lũ, lũ quét và an toàn hồ chứa cho các lưu vực sông Túy Loan, Cu Đê và các hồ chứa nước trên địa bàn, trong năm 2016 và 2017, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng 11 trạm đo mưa tự động và 4 trạm đo mực nước tự động.

Năm 2018 và 2019, Đà Nẵng tổ chức cắm 102 biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; 60 biển cảnh báo đuối nước tại các hồ điều tiết; Phân phát 20.000 vở và sổ tay tuyên truyền về đuối nước cho học sinh các trường học... lắp một trạm cảnh báo lũ tự động tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng đã lập và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ cho 17 hồ chứa nhỏ trên địa bàn thành phố. Hệ thống đê, kè biển, đê, kè cửa sông, kè sông thành phố Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 51,8km đều được thiết kế với triều tần suất 5% và chống được bão cấp 9, 10 tùy theo từng tuyến.

Nhìn chung, các tuyến đê, kè đang hoạt động bình thường, đảm bảo làm việc an toàn trong mùa lũ, bão 2020 ứng với cấp gió bão thiết kế. Để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, kè của thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thủy lợi đã bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện sự cố để xử lý.

Với việc triển khai các phương án ứng phó theo từng cấp độ thiên tai, tổ chức diễn tập tại nhiều địa phương, không chỉ Đà Nẵng, Nghệ An mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã chủ động trước mọi tình huống, tránh tâm lý bị động, bất ngờ cho Nhân dân.

THANH HOÀI
Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/cac-mo-hinh-tieu-bieu-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-148036.html