Bộ Y tế nói gì về việc 18.000 chai tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đang kiểm tra thông tin về việc 18.000 chai tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi vì chứa chất acid benzoic.

Vừa qua, Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chin-su, nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, những chai tương ớt Chin-su của công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm bị cấm theo tiêu chuẩn của Nhật Bản là acid benzoic cùng một số chất phụ gia khác như sorbic acid... vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm của quốc gia này. Nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa acid benzoic.

nhat-ban-thu-hoi-18-000-chai-tuong-ot-chin-su-bo-y-te-len-tieng
Những chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Osaka. Ảnh: Osaka city

Thông tin này được đăng tải trên trang thông tin của thành phố Osaka tại địa chỉ: www.city.osaka.lg.jp từ ngày 2/4 vừa qua. Trang này ghi rõ sản phẩm vi phạm: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019".

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ trên 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện Cục đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân bị thu hồi cũng như nguồn gốc số sản phẩm nói trên.

Theo tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), acid benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%, axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%). Hiện có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản. Tại Việt Nam, acid benzoic nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độ, nhưng rất hiếm gặp. Dù vậy bà Nga cho rằng, Codex chỉ là tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tại Nhật có thể khắt khe hơn.

Về phía DN có sản phẩm thu hồi, trả lời báo chí, đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho rằng, DN này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin- su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.

"Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ", thông cáo của Masan viết.

 

Tiến Đạt