Bổ sung quy định về livestream sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Đặng Thu Hằng
Trong Phiên chất vấn sáng 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream.

Quy định về hoạt động livestream

Tham gia phiên chất vấn sáng 4/11, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) dẫn chứng vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream, đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Đại biểu đã đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) khi chậm xử lý vi phạm của cá nhân này.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng diễn ra lúc chưa có quy định pháp luật nào về quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ này phải theo quy định cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.

anh-chup-man-hinh-2022-11-04-luc-132500-1667543112.png
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sau đó, Bộ TTTT đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Cụ thể, hoạt động này chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được thực hiện; cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Đại biểu Lê Hoàng Anh sau đó tiếp tục đăng ký tranh luận và nêu lại câu hỏi về trách nhiệm của Bộ cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân quản lý Nhà nước để xảy ra các sai phạm trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu trả lời trước đó và cho biết khi cá nhân Nguyễn Phương Hằng livestream thì chưa có quy định về việc này. Nhưng sai phạm đã được xử lý gọn gàng với bước xử phạt hành chính và chuyển công an điều tra.

Sau vụ việc trên, Bộ đã đưa vào luật để quy định rõ với những hoạt động livestream.

"Tôi tự tin khẳng định cơ quan của Bộ TT&TT không có chuyện có tiền thì làm, không có tiền thì không làm. Trong chế độ của chúng ta không có chuyện này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Dự kiến thanh tra toàn bộ nhà mạng để đảm bảo an toàn dữ liệu

Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) băn khoăn về khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành với việc thực hiện đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, vị đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp chấm dứt tình trạng thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đáp ứng được hạ tầng viễn thông, internet cho người dân vùng sâu, vùng xa có thể dùng điện thoại, dùng internet để học tập. Hiện hệ thống cáp quang lắp đặt tại 93% thôn bản trong khi huyện, xã đạt tỷ lệ 100%.

"Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ cao như thế. Giá cả dịch vụ viễn thông, internet đang nằm trong top 20 nước rẻ nhất thế giới. Trung bình một người dân chỉ phải trả khoảng 55.000 đồng/tháng (2,6 USD) cho điện thoại và internet", Bộ trưởng TT&TT cho hay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng được nền tảng, ứng dụng số cho ngành giáo dục, thậm chí đáp ứng "tốt, giá rẻ, phù hợp hơn nước ngoài". Số lượng doanh nghiệp số hiện nay tiến đến con số 75.000, cao hơn 35.000 doanh nghiệp so với thời điểm 4 năm trước.

"Hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn. Đây là một trong những cách để đất nước tự lực tự cường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc. "Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỷ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân; mức phạt tù có khi lến đến 10 năm", Bộ trưởng nói.

Tham gia trả lời chất vấn còn có Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhìn nhận tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, là thực trạng nhức nhối. Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

041120221106-bt-cong-an-2-2-16-6761-7095-1667539895-1667543786.jpeg
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bảo vệ, lưu trữ dữ liệu, thông tin; xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh mạng. Không riêng Bộ Công an mà các cơ quan liên quan đến bảo vệ dữ liệu cần tích cực phối hợp quốc tế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Công an nói sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ về an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, hành lang pháp lý về an ninh mạng; nâng cao trình độ năng lực, trang bị hiện đại cho lực lượng đảm bảo an ninh mạng...

T.H.