Bộ Nội vụ đề xuất bỏ chức danh trưởng Công an quận, trưởng Công an phường

Nguyễn Diệp Linh
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ các chức danh trưởng Công an quận, phường. Nguyên nhân là các chức danh này không phải là công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và không được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định (Nghị định 32/2021, Nghị định 33/2021 và Nghị định 34/2021) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng.

Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi ba Nghị định theo hướng bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận trong cơ cấu tổ chức của UBND quận; bỏ chức danh Trưởng Công an phường trong cơ cấu tổ chức của UBND phường.

Nguyên nhân là các chức danh này không phải là công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và không được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

de-xuat-bo-chuc-danh-truong-cong-an-quan-phuong-1668129650.jpgBộ Nội vụ đề xuất bỏ chức danh trưởng Công an quận, trưởng Công an phường. Ảnh minh họa

Như vậy, dự kiến cơ cấu tổ chức của UBND quận tại TPHCM sẽ không còn Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận. Cơ cấu tổ chức mới chỉ bao gồm: Chủ tịch quận; Phó Chủ tịch quận; Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; Các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

Còn cơ cấu tổ chức của UBND phường dự kiến sẽ bỏ chức danh Trưởng Công an phường và sẽ bao gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường; Các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung để thống nhất trong quản lý, sử dụng cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường với công chức làm việc tại UBND phường.

Cụ thể, quy định biên chế, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường do UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quản lý, sử dụng (việc bầu cử cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường vẫn thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và quy định của pháp luật liên quan).

Quy định liên thông giữa cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường với công chức ở phường và công chức từ cấp quận trở lên.

Theo đó, người được bầu giữ chức vụ cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời hạn xử lý kỷ luật) thì được xem xét, tiếp nhận vào làm công chức phường hoặc công chức từ cấp quận trở lên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh, vị trí công chức đó theo quy định.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định theo hướng 03 thành phố được chủ động quy định số lượng, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố trên cơ sở tình hình thực tiễn và cân đối ngân sách của địa phương.

Vũ Hạnh (T/h)