Bộ GD&ĐT công bố dự thảo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới được Bộ GD&ĐT giới thiệu là sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

 bo-giao-duc-1516355548147Đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cung cấp thông tin tại buổi công bố dự thảo chương trình môn học mới chiều 19/1. (Ảnh: Nguyễn Khánh).

Chiều 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo nội dung các chương trình môn học, trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và chủ biên một số môn cho hay sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với chương trình hiện hành.

Theo dự thảo, chương trình môn học dự kiến công bố lần này có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12: tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc mỗi cấp học.

Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…

Những kiến thức mang tính đặc thù của môn học khi nằm trong đơn môn sẽ được soi sáng, mở rộng qua các chủ đề liên môn được chú trọng tính ứng dụng.

Môn đạo đức, giáo dục công dân đổi mới theo hướng đưa những vấn đề gần gũi với cuộc sống, hướng học sinh có những hiểu biết và kĩ năng xử lý các vấn đề liên quan tới lối sống, ý thức pháp luật, kinh tế, ý thức về gìn giữ, bảo vệ chủ quyền dân tộc và văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Các môn trước đây được góp ý là còn "hàn lâm", xa rời thực tiễn và yêu cầu chưa hợp lý với đối tượng học sinh phổ thông cũng được điều chỉnh.

Cụ thể, môn tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ chú trọng nhiều vào kĩ năng vận dụng, thực hành. Môn Toán ngoài các khái niệm, kiến thức nền tảng cũng thay đổi để học sinh hiểu được giá trị ứng dụng Toán trong cuộc sống trên cơ sở kết hợp vơi các môn khoa học tự nhiên khác.

Chương trình mới cũng đưa hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp vào như một nội dung bắt buộc, bao gồm các nội dung học tập độc lập và xen kẽ trong môn học theo các chủ đề.

img_5625
Chương trình giáo dục mới chú trọng vào hoạt động thực tiễn và thực hành. (Ảnh minh họa).

Các chương trình bộ môn được thiết kế cũng thể hiện sự tiếp thu các ưu điểm của chương trình hiện hành, đặc biệt là tiếp thu các nỗ lực đổi mới, thử nghiệm đổi mới trong thực tiễn dạy học ở phổ thông các năm qua như mô hình trường học mới (theo dự án VNEN), việc thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Sau khi chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của một số tổ chức, cá nhân trên, dự thảo chi tiết các chương trình các môn học được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT từ chiều 19/1/2018 để tiếp tục xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo sẽ được lấy ý kiến công luận trong ​2 tháng, sau đó ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.

Tình Thương