Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An): Tích cực, chủ động phòng cháy, chữa cháy

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngay từ đầu năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn ban hành Kế hoạch số 49/KH-BQL về việc triển khai tập huấn công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
ban-quan-ly-rung-phong-ho-huyen-ky-son-tinh-nghe-an-tich-cuc-chu-dong-phong-chay-chua-chay
Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, chỉ vùng sản xuất nương rẫy cho người dân.

Nghệ An là tỉnh có mùa hè khô nóng và khắc nghiệt với những trận gió Lào cộng với nền nhiệt độ cao, nên việc phòng cháy, chữa cháy rừng luôn luôn được các cấp, các ngành và nhân dân chú trọng. Nhận thức được nguy cơ “thần lửa” đe dọa những cánh rừng, ngay từ đầu năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn ban hành Kế hoạch số 49/KH-BQL về việc triển khai tập huấn công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Đơn vị cũng phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã tiến hành tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt UBND xã, các bí thư, trưởng bản, các đơn vị liên quan đóng quân trên địa bàn 20/20 xã của huyện Kỳ Sơn, với trên 496 lượt người tham gia.

Kỳ Sơn là một huyện miền núi cao, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán sản xuất và sinh hoạt dựa vào rừng là chính nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng luôn luôn được quan tâm. Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, chỉ vùng sản xuất nương rẫy cho người dân để giúp người dân sản xuất đúng vùng quy hoạch; đốt rẫy vào những lúc không có gió hoặc gió nhẹ, có thể đốt vào buổi sáng, hoặc buổi chiều mát, đốt lần lượt từng giải, thứ tự đốt từ sườn đồi xuống chân đồi (từ trên xuống dưới); quán triệt bà con không được đốt rẫy từ dưới lên, không được đốt xuôi theo chiều gió, tránh tình trạng đốt rẫy cháy lan vào rừng.

Để chủ động trong công việc phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã lập ra nhiều tình huống, kế hoạch và biện pháp.

Tình huống 1: Khi có cháy rừng xảy ra, hướng dẫn người dân dùng dao phát thực bì làm băng cản lửa; dùng cành lá cây tươi dập tắt lửa; dùng cuốc, xẻng đào rãnh và dùng xô, can đựng nước tưới dập tắt lửa,… Tùy thuộc vào địa hình mà có thể sử dụng các dụng cụ dập cháy khác nhau.

Tình huống 2: Hướng dẫn người dân đốt rẫy, người dân phải phát dọn sạch thực bì, phơi khô và vun thành từng giải rộng 2-3m, các giải cách nhau 5-6m, giải cách bìa rừng 6-8m. Đốt từng giải vào những lúc không có gió hoặc gió nhẹ, có thể đốt vào buổi sáng, hoặc buổi chiều mát.

Với tinh thần và trách nhiệm cao, Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cố gắng hạn chế thấp nhất các nguy cơ cháy rừng và thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ).