Cựu điều tra viên: Có thể khởi tố 3 tội danh vụ con gái đốt nhà mẹ

Nguyễn Thị Hải Hà
Theo cựu điều tra viên, tùy thuộc ý chí chủ quan của 3 người con gái khi thực hiện hành vi, họ có thể bị xử lý thêm về tội Hủy hoại tài sản và Cưỡng đoạt tài sản.

Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra việc 3 người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ vì mâu thuẫn trong việc chia tài sản thừa kế. Người mẹ được xác định là bà Vũ Thị Đều (61 tuổi, ở huyện Yên Mỹ), còn 3 người con gái là Đỗ Thị Định (40 tuổi), Đỗ Thị Điểm (34 tuổi) và Đỗ Thị Đưa (32 tuổi).

Theo công an, do mâu thuẫn trong việc chia thừa kế đất, 3 người con gái đã mang xăng đến nhà bà Đều. Tại đây, chị Điểm đổ xăng xuống nền nhà rồi châm lửa gây ra vụ hỏa hoạn. Sự việc khiến 4 người bị bỏng nặng, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Ngoài tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của những người này có thể bị xử lý về các tội khác hay không?

con gai dot nha me anh 1

Bà Đều bị bỏng nặng, được người dân đưa đi cấp cứu. Ảnh: S.T.

Luật sư, cựu điều tra viên Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi của 3 người con gái thể hiện sự bất hiếu, trái với thuần phong mỹ tục. Trong khi con cái có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì những người này lại đe dọa, gây sức ép, thậm chí đốt nhà mẹ đẻ để đòi chia đất. Đây là hành vi đáng lên án, không chỉ trái đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần bị xử lý theo đúng quy định.

Bình luận về sự việc, ông Doãn cho biết trong không gian chật hẹp, đầy xăng dầu như vậy, việc châm lửa đốt là hành động đặc biệt nguy hiểm. Dù có mục đích giết người hay không, một người có đầy đủ nhận thức phải biết rằng hành vi này hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của 4 mẹ con. Do đó, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người.

Vị cựu điều tra viên cho biết trong quá trình điều tra, công an sẽ làm rõ ý chí chủ quan của những người thực hiện hành vi. Nếu đủ căn cứ, ngoài tội Giết người, cơ quan điều tra có thể xử lý thêm về các tội Hủy hoại tài sản (Điều 178) hoặc Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) tại Bộ luật Hình sự 2015 đối với những người này.

Đối với tội Hủy hoại tài sản, giá trị tài sản thiệt hại và ý thức của người thực hiện hành vi sẽ là yếu tố quan trọng xác định trách nhiệm hình sự. Theo đó, nếu tổng giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên và người đốt nhà có chủ đích hoặc ý thức được hành vi của mình sẽ gây thiệt hại tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, để mặc hậu quả xảy ra, họ có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.

Trong trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên, khung hình phạt đối với người phạm tội sẽ là 2-7 năm tù.

con gai dot nha me anh 2

Nạn nhân được hàng xóm quấn chăn, đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: T.M.

Theo thông tin hiện có, 3 người con gái sau khi ký biên bản thỏa thuận về việc chia tài sản đã đòi thêm 1 suất đất ở ngoài mặt đường. Do bà Đều không đồng ý nên đôi bên xảy ra cãi vã, tới ngày 30/10 thì 3 người con gái mang xăng tới phóng hỏa.

Ông Doãn cho biết cơ quan chức năng sẽ làm rõ mục đích thực hiện hành vi đe dọa rồi phóng hỏa là gì. Nếu 3 người con gái đe dọa, phóng hỏa nhằm mục đích uy hiếp tinh thần bà Đều, buộc bà phải giao suất đất ngoài mặt đường, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong suất đất đó có phần hoặc hoàn toàn thuộc sở hữu của bà Đều hay không. Nếu người mẹ có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ mảnh đất đó, hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của 3 người con gái có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.

"Việc xem xét xử lý thêm tội Hủy hoại tài sản và Cưỡng đoạt tài sản là cần thiết nhằm đảm bảo tránh sự thiếu sót, giúp giải quyết vụ án nghiêm minh, triệt để. Tuy nhiên, việc có khởi tố thêm tội danh hay không là thẩm quyền của cơ quan chức năng, tùy thuộc ý chí người thực hiện hành vi, lời khai của họ cùng các tài liệu khác liên quan vụ án", ông Doãn cho biết.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.