Xây dựng trường học xanh ở Đà Nẵng: Thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh

Phạm Hà Mi
Vừa qua, UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) dã tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa” tại các trường tiểu học trên địa bàn.

Mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa” được phát động và triển khai tại 3 trường tiểu học Tôn Đức Thắng, Trần Văn Dư và Trần Đại Nghĩa. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Sau 8 tháng thực hiện mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa”, các bên liên quan đã tổ chức 3 sự kiện tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi của học sinh; phát động sáng kiến tại 11 trường Tiểu học trên toàn quận đồng thời xây dựng bộ giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa cho trường học từ kết quả kiểm toán, triển khai các hoạt động cụ thể trong mô hình giảm rác nhựa tại trường học; hỗ trợ trường Tiểu học Tôn Đức Thắng thành lập nhóm/CLB môi trường và hỗ trợ duy trì CLB môi trường tại trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa và Trần Văn Dư thực hiện các hoạt động trong mô hình giảm rác thải nhựa tại trường học.

2(1).pngCác em đã dần hình thành ý thức, thói quen gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Với việc triển khai đồng loạt các chương trình, kế hoạch nhằm thay đổi thói quen, hành vi, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, học sinh thuộc 3 trường Tiểu học trên đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn qua những con số cụ thể như 53 - 100% học sinh mang theo bình nước cá nhân, 20-60% học sinh ăn sáng tại nhà, 20% học sinh mang hộp đựng nhiều lần đi mua đồ ăn, 60% học sinh không bao vở bằng giấy gương….

Ông Đinh Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho rằng, việc lựa chọn tập trung cho ngành giáo dục là nhiệm vụ quan trọng tạo sự lan tỏa ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong nhà trường và cộng đồng.

“Để tiến tới thành phố sạch như các nước khác trong khu vực, cần thời gian 5-10 năm. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không đầu tư vào trường học, mà chỉ chú trọng vào khu dân cư, hộ gia đình thì 5-10 năm nữa các em học sinh này đây sẽ lớn lên trở thành người lớn sẽ có hàng ngàn gia đình và chúng ta lại phải truyền thông, tập huấn từ đầu. Vì vậy, tôi cho rằng quyết định xây dựng mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa tại quận Cẩm Lệ là rất đúng đắn.” – ông Thanh chia sẻ.

1.pngThực hành phân loại rác thải tại nguồn ở trường học

Tại Hội thảo, đại diện các bên liên quan đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình “Trường học nói không với rác nhựa” cũng như xác định rõ vai trò của các bên trong quá trình lên kế hoạch và triển khai và cập nhật về tiêu chí trường học xanh nhằm duy trì và nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.