Vì sao năm Mão của Việt Nam là mèo trong khi các nước châu Á lại là thỏ?

Nguyễn Hồng Hạnh
Nguyên nhân cho sự khác biệt là do khi tiếp nhận lịch Can - Chi, người Việt đã biến đổi thỏ thành mèo để phù hợp với địa lý và văn hóa nước mình.

Theo lịch âm, năm 2023 là năm Quý Mão. Nhưng điều thú vị là trong khi các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, con thỏ là đại diện cho năm Mão thì Việt Nam là quốc gia duy nhất có mèo là con giáp đại diện.

Nguồn gốc của 12 con giáp

Trong sách 12 con giáp trong văn hóa người Việt, 12 con giáp có bắt nguồn từ lịch Can - Chi. Loại lịch này xuất hiện vào thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc. Theo đó, 12 con giáp gắn với Thập Nhị Chi.

Người Trung Quốc xưa đã chọn ra 12 con vật gắn liền với đời sống hoặc được con người thuần dưỡng sớm nhất để đưa vào lịch Can - Chi, theo thứ tự: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn).

Còn trong văn hóa Việt Nam, theo sách Chuyện Đông, Chuyện Tây của tác giả An Chi, "con giáp" là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ.

Con giáp là chu kỳ 12 năm âm lịch, gọi từ tên của 12 địa chi, từ Tý đến Hợi, cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm cho đến năm cuối cùng một chi với nó sau đó 12 năm.

Trong phương ngữ Bắc Bộ, "giáp" thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành chi kỳ 12 năm như hiện nay.

Khác biệt của 12 con giáp trong văn hóa của Việt Nam chính là con mèo được dùng thay thế cho con thỏ.

Năm Mão ở Việt Nam được đại diện bởi con mèo

Theo Reuters, một trong những cách lý giải phổ biến nhất về việc mèo thay thế thỏ trong 12 con giáp ở Việt Nam đó là chữ thỏ trong tiếng Trung Quốc phát âm là "mao" - nghe giống từ mão (con mèo) trong tiếng Việt.

Qua quá trình thông dịch, vì hai từ này có phát âm gần giống nhau nên đã xảy ra sự nhầm lẫn khiến con thỏ trong 12 con giáp ở Trung Quốc được thay thế bằng con mèo.

Ngoài ra, còn có cách lý giải khác như sau. Dù đã tiếp thu Thập Nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã không tiếp thu hoàn toàn mô hình ở Trung Quốc mà thay đổi cho phù hợp với môi trường sống của mình.

Vì Việt Nam là văn hoá thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên nên điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho loài mèo phát triển.

Mặt khác, ở Việt Nam, thỏ vốn không phải là động vật phổ biến và thân thuộc, chỉ được coi là loài hiền lành, dễ thương. Trong khi mèo được mệnh danh là "tiểu hổ" và gần gũi với đời sống các gia đình. Mèo còn thường xuyên xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài hát của người Việt.

Một lý giải khác cũng được nhièu người đồng tình đó là ở Trung Quốc, thỏ được cho là con vật tượng trưng cho những gì hạnh phúc nhất. Những người sinh năm thỏ được cho là sống tốt bụng, uy tín, trung thành dù có đôi chút bí ẩn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thỏ thường được xem là thực phẩm (mèo cũng được xem là thực phẩm nhưng không phổ biến như thỏ). Với nhiều người Việt, mèo là "bạn đồng hành" thông minh và hòa đồng.

Một lý giải khác từ Reuters cho rằng, thỏ là một loài gặm nhấm, chuột (Tí) cũng là loài gặm nhấm, trong khi 12 con giáp cần có sự độc nhất và khác biệt. Vì vậy, mèo được xem là lựa chọn phù hợp./.