Tuyên Quang: Hơn 540 ha cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lớn trên diện rộng

Nguyễn Hồng Hạnh
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao, từ đêm 22/5 đến ngày 23/5, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 98mm đến 146mm.

Mưa lớn đã gây lũ trên hệ thống sông suối nhỏ, làm ngập úng ở một số vùng thấp ven sông, suối và gây sạt lở tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chú thích ảnh

Hơn 540 ha diện tích cây trồng bị ảnh do mưa lớn trên diện rộng. Ảnh: Nam Sương/TTXVN

Mưa lớn đã gây sạt lở đất, đá vào 8 nhà dân ở huyện Chiêm Hóa và Sơn Dương, rất may không có thiệt hại về người. Mưa lớn cũng làm hơn 540 ha cây trồng bị ảnh hưởng và gần 600 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường huyện và đường giao thông liên xã bị sạt lở; nhiều cầu tràn qua suối bị ngập khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, UBND các huyện có thiệt hại đã chỉ đạo, phân công cán bộ chuyên môn tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó và hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Cảnh báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, trong ngày 23/5 trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa to đến rất to; mực nước trên sông Lô tiếp tục tăng với đỉnh lũ tại Tuyên Quang có khả năng ở mức 18,1 m dưới mức báo động I. Thượng nguồn sông Lô và các sông nhỏ, suối có khả năng lũ với biên độ 2-4m. Từ ngày 23-5 đến ngày 25-5 các địa phương trong tỉnh đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các nơi có địa hình dốc, khu vực có kết cấu đất đá yếu và ngập cục bộ ở các nơi trũng thấp.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó. Các huyện, thành phố chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đặc biệt là điểm nguy cơ sạt lở cao.