Tự chủ bệnh viện: "Nếu nhà nước buông ra, ai chăm sóc người nghèo"?

Nguyễn Diệp Linh
VOV.VN - Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên hiểu tự chủ là nhà nước vẫn đảm bảo nguồn tài chính cho các bệnh viện tuyến đầu, bênh viện trọng điểm. Tuy nhiên nên chuyển sang một hình thức đầu tư khác, thay vì hàng năm nhà nước cấp ngân sách, thì bệnh viện có thể đặt hàng ngân sách.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K xin thôi cơ chế tự chủ sau một thời gian áp dụng. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi), có ý kiến đại biểu đặt câu hỏi rằng, phải chăng việc các bệnh viện lớn xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách này?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên đã có trao đổi với VOV.VN bên hành lang quốc hội về vấn đề này.

tu chu benh vien neu nha nuoc buong ra, ai cham soc nguoi ngheo hinh anh 1

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên cho rằng, tự chủ là nguồn tài chính của nhà nước dành cho các bệnh viện tuyến đầu, bênh viện trọng điểm phải được bảo đảm, tuy nhiên nên chuyển sang một hình thức đầu tư khác.

PV: Thời gian qua nhiều bệnh viện lớn tuyến đầu xin thôi cơ chế tự chủ, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Nhiều bệnh viện sau một thời gian tự chủ đã xin thôi bởi khi quyết định tự chủ họ đã xem xét nhiều phương diện về cả nguồn thu, đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, sau một thời gian tự chủ, các bệnh viện này gặp phải vấn đề về nguồn thu, không đủ lực để hấp dẫn y bác sĩ, không đảm bảo vận hành bệnh viện.

Thứ hai, đây là sự phản ứng lại chính sách nhà nước, chúng ta cần xem lại cách hiểu về tự chủ của hệ thống bệnh viện cũng như các trường đại học.

Tự chủ không có nghĩa là buông ra. Nếu chúng ta buông ra, thì ai sẽ gánh gánh nặng chăm sóc người nghèo, người khó khăn? Do vậy, theo tôi hiểu, tự chủ là nguồn tài chính của nhà nước dành cho các bệnh viện tuyến đầu, bệnh viện trọng điểm phải được bảo đảm, tuy nhiên nên chuyển sang một hình thức đầu tư khác. Thay vì hàng năm nhà nước cấp ngân sách, thì bệnh viện có thể đặt hàng ngân sách. Ngân sách này dành cho các đối tượng nghèo, hoặc để nâng cao cơ sở vật chất, phần còn lại bệnh viện kinh doanh thêm thì chúng ta nên khuyến khích.

Nhưng khuyến khích phải có định hướng, việc kinh doanh này vẫn phải tuân thủ theo tôn chỉ mục đích của bệnh viện là chăm sóc sức khỏe người dân. Nếu thị trường hóa hoàn toàn thì từ việc giữ xe, việc bán thuốc cho bệnh nhân sẽ bị phân hóa giàu nghèo. Khi đó, bước chân vào bệnh viện, thay vì cảm thấy được xoa dịu nỗi đau, chữa trị bệnh tật thì người dân lại cảm thấy tổn thương, đau đớn vì sự phân biệt giàu nghèo ấy.

Bên cạnh đó, phải hiểu rằng các bác sĩ giỏi là tài sản của đất nước. Các bác sĩ giỏi đi đến đâu cũng được thế giới chấp nhận. Hiện nay, bác sĩ ở bệnh viện công và bệnh viện tư có định hướng khác nhau.

Bệnh viện tư khám chữa bệnh phải đạt được lợi ích kinh tế, lợi ích thương mại cho chủ đầu tư. Trong khi bệnh viện công coi trọng giá trị truyền thừa, lớp bác sĩ sau tiếp nối lớp trước để duy trì giá trị cốt lõi là phục vụ nhân dân. Phải giữ được đội ngũ nhân tài ở các bệnh viện gạo cội, coi đó là xương sống của ngành y. Nhất là hiện nay, sự phát triển của công nghệ hiện đại cho phép các bác sĩ trị bệnh từ xa. Do điều kiện địa lý mà bác sĩ không thể đến thăm khám trực tiếp tại các vùng sâu, vùng xa, họ có thể chọn hình thức hội chẩn cho bệnh nhân qua mạng. Như vậy, những ca bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của các bác sĩ tuyến dưới vẫn có thể được chữa trị bởi các chuyên gia đầu ngành. Rõ ràng như vậy người dân sẽ được thụ hưởng hệ thống y tế tốt hơn và chuyên môn của cả hệ thống bác sĩ nước ta sẽ được nâng dần lên.

Đây không phải là câu chuyện anh đứng ở đâu khám bệnh mà là câu chuyện trách nhiệm đặc thù của các tài năng y học trong việc phục vụ cộng đồng mà các bác sĩ như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di đã gây dựng nên. Do vậy, khi nghe mọi người nói làm công hay làm tư cũng được, miễn là phục vụ con người, tôi lại thấy họ chưa thấu suốt được đạo lý của ngành y. Đạo lý ngành y là sự truyền nghề và phục vụ nhân dân kể cả người nghèo, người vô gia cư, người có tâm lý không ổn định vào bệnh viện - họ phải được phục vụ như nhau.

PV: Nói đến tự chủ bệnh viện, mọi người thường nghĩ nhiều đến tự chủ tài chính, điều này đã thực sự đầy đủ chưa, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Tự chủ bệnh viện còn chịu nhiều ảnh hưởng của những luật khác như Luật Công chức viên chức, cũng không phải cứ tự chủ là tự chủ được, phải tuân theo sự bổ nhiệm của công tác cán bộ của Đảng và chính quyền.

Ví dụ như Luật Quản lý tài sản công, trên đất mặt đường của bệnh viện, muốn mở ra bất kì hình thức kinh doanh gì cũng phải làm đề án xin phép. Vấn đề này rất phức tạp do vậy, chúng ta phải hiểu tự chủ cho đúng. Nếu hiểu tự chủ là tạo mọi điều kiện cho bệnh viện ấy phát huy tính sáng tạo trong điều kiện đặc thù của mình để phục vụ người dân tốt hơn thì mới đáp ứng đúng tính chất của tự chủ. Còn nếu tự chủ chỉ là giao khoán cho các bệnh viện tự lo tài chính thì có thể gặp các rủi ro, sai sót. Tôi nghĩ phần lớn bệnh viện xin quay lại chế độ bao cấp là vì lí do này. Đối với đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao của ngành y, Đảng và Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ họ, thay vì để họ tư xoay sở như hiện nay.

Tôi thấy có các bệnh viện sau khi tự chủ có thể kiếm đến mấy nghìn tỷ. Nhưng số tiền đó tiêu như thế nào cũng là một bài toán lớn. Tôi vẫn nói ngành y là “lãng phí” lại là đúng, mà tiết kiệm lại là sai. Lãng phí là tiêu tiền vào các thiết bị y tế, mặc dù tại thời điểm ấy không cần thiết, nhưng đã đưa vào danh mục mua sắm là phải mua hoặc là lập dự toán từ năm trước, năm sau thay đổi. Ta vẫn phải mua thiết bị y tế đó về để dùng, bởi nếu không tiêu thì năm sau sẽ bị cắt khoản chi đó. Vấn đề quản lý này làm nản lòng những người giỏi trong bệnh viện. Nhiều bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng lại được yêu cầu làm quản lý, điều này cũng rất khó với họ.

Đứng trước những văn bản, quy định chồng chéo lên nhau, họ có thể gặp khó khăn lớn trong việc giải quyết các vấn đề tài chính. Do vậy, bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định, trục lợi cá nhân, ta cũng phải xem xét đến việc sai sót, lỗi kỹ thuật của các bác sĩ trong việc đáp ứng các chính sách, quy định làm việc. Các bác sĩ thăng chức từ trưởng khoa lên phó giám đốc, giám đốc bệnh viện rất nhanh bởi sự chuyển tiếp thế hệ. Nhiều khi cứ giỏi chuyên môn là lên, mà không căn cứ vào năng lực quản lý của họ. Trước các quy định của Nhà nước và trước bài toán tăng nguồn thu cho bệnh viện, rủi ro rất có thể xảy ra bởi khả năng quản lý của các bác sĩ.

PV: Để tự chủ bệnh viện thực sự trở thành động lực, mở đường cho sự phát triển, sáng tạo của các bệnh viện, cần những thay đổi ra sao trong hành lang pháp luật, thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: Để tự chủ bệnh viện, cần rà soát lại tất cả các điều luật, điều luật về nhân công, Luật Công chức viên chức, Luật Đấu thầu, tất cả cần làm rõ. Bên cạnh đó, cũng phải có quy định rất rõ bệnh viên được làm gì và không được làm gì. Nếu không tích hợp các quy định đó thành một hệ thống rõ ràng, cụ thể mà tản mát chỗ này chỗ kia một vài quy định thì rủi ro rất lớn.

Bên cạnh đó, tại một số bệnh viện cũng nên thí điểm để có lãnh đạo quản lý về hành chính điều hành riêng và một người đứng đầu phụ trách về chuyên môn. Ở các bệnh viện hiện nay 2 vai trò này vẫn do 1 người đảm nhiệm. Quốc hội có thể ra nghị quyết thử nghiệm chính sách này, sau 3 -5 năm thực hiện tổng kết đánh giá lại kết quả. Các bệnh viện tuyến huyện có thể chưa cần, nhưng từ tuyến tỉnh trở lên rất nên thí điểm phương thức quản lý này.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV