Trao yêu thương, nối dài sự sống

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ghép mô (giác mạc), tạng (nội tạng) là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng lớn. Đã có nhiều câu chuyện trao tặng mô, tạng đầy xúc động trên khắp mọi miền đất nước, giúp bao cuộc đời được hồi sinh. Việc đăng ký hiến mô, tạng trở thành hành động cao đẹp và lan toả.
ht-2-1655284201.jpg

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau đang vận động, tập hợp thành lập CLB hiến tạng .

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau, có khoảng 100 người đăng ký trao tặng những phần cơ thể của mình nếu không may qua đời. Mỗi người mỗi công việc, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, song họ đều có chung quan niệm sống tích cực và tấm lòng cao đẹp.

Khi qua đời cũng phải có ích

Việc quyết định đăng ký hiến tạng được nhiều người lý giải rằng, khi sống thì phải nhiệt huyết, chân thành, cống hiến, khi qua đời cũng phải làm điều gì có ích cho cộng đồng.

Nghe tâm tình của những người lớn tuổi đăng ký hiến tạng mới thấy đó không phải làm theo phong trào hay thử sức gan dạ, mà chính họ đã trải qua những biến cố đau buồn. Trong thời gian ngắn, cô Hoàng Thị Luyên (sinh năm 1965) lần lượt từ biệt nhiều người thân, cha ra đi vì bệnh phổi, 2 người em ruột mất sớm do bệnh gan. Cô Luyên nghĩ, giá như bấy giờ có tạng ghép thì có thể cứu được người thân của mình. Thăng trầm trong công việc, trắc trở chuyện gia đình cùng nỗi đau mất mát người thân, cô Luyên quyết định rời quê hương Ninh Bình vào đất Cà Mau cống hiến tâm sức trên quê hương thứ hai. Hơn 20 năm là giáo viên mầm non ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cô nghỉ hưu năm 2020.

Cô Luyên tâm tình: “Lúc bế tắc, tôi đã định tìm đến cái chết, nhưng rồi suy nghĩ lại mình không thể yếu đuối mà phải sống có ý nghĩa. Tôi bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện, hiến máu nhân đạo, giúp được mọi người lòng tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Có lần cô Luyên xem chương trình ti-vi, đồng cảm với một người mẹ nén nỗi đau hiến tạng của con mình khi chết, đã cứu được 4 cuộc đời khác hồi sinh. Cô Luyên cảm nhận, điều đó như một phép màu kỳ diệu, khi người qua đời vẫn có thể giúp được nhiều người. Từ đó, cô quyết tâm thực hiện ý nguyện, năm 2018, cô đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học. Cô Luyên chia sẻ, chưa bao giờ mình hối hận về quyết định này.

Đối với những người trẻ đang khoẻ mạnh, yêu đời, vậy mà nhiều bạn đã tính đến ngày ra đi thật ý nghĩa giúp hồi sinh nhiều cuộc đời khác. Bạn Bùi Thị Huệ, 28 tuổi, quê Cà Mau, đang du học ngành Điều dưỡng ở Nhật Bản, chia sẻ rằng, để đi tới quyết định trao tặng cơ thể mình cho y học khi qua đời, không phải là một phút giây bồng bột, mà xuất phát từ tấm lòng và muốn mình vẫn hữu ích ngay cả khi đã qua đời.

Trước khi du học, Huệ từng công tác trong môi trường bệnh viện, hàng ngày chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn giữa lằn ranh sinh tử. Nhiều người còn trẻ nhưng suy tạng giai đoạn cuối. Huê nhận ra ở họ khát khao sống rất mãnh liệt, không ít lần Huệ rơi nước mắt thương cảm.

Huệ tâm tình: “Tôi suy nghĩ và tự hỏi, khi ra đi thì ta còn lại những gì? Thể xác rồi sẽ phân huỷ, nếu mô, tạng được hiến sẽ không lãng phí mà còn mang lại sự sống cho người khác”.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Huệ cũng cho biết, nếu một người còn sống đồng ý hiến tạng thì chỉ có thể cho đi một lá gan hoặc một quả thận. Còn hiến mô, tạng khi không may qua đời, trong trường hợp lý tưởng có thể cứu được 10 người khác với 2 thuỳ gan, 2 quả thận, 2 lá phổi, 2 giác mạc, tim, tuỵ và 100 mô gồm da, xương, gân, sụn....

Nhân lên tình yêu thương

Không chỉ đăng ký hiến tạng mà nhiều người còn trở thành tình nguyện viên, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp, nhân văn của việc hiến mô, tạng.

Câu lạc bộ (CLB) Giọt hồng Đất Mũi có khoảng 50 thành viên, trong đó có 8 người đã đăng ký hiến tạng. Bạn Phạm Tuấn Kiệt, Chủ nhiệm CLB, cho biết, thành viên CLB vừa tham gia hiến máu, đóng góp cho công tác từ thiện vừa vận động người dân hiến máu tình nguyện, vận động viện phí giúp bệnh nhân nghèo, xây cất nhà tình thương cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Mấy năm gần đây, nhiều người liên hệ với Kiệt hỏi có trường hợp nào đăng ký hiến tạng vì nhiều ca bệnh đang rất cần. Kiệt quan tâm tìm hiểu kỹ càng, rồi đăng ký hiến tạng, hiến xác. Từ đó, CLB có thêm nhiệm vụ mới là vận động hiến tạng, hướng dẫn thủ tục đăng ký và hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư.

Nhiều năm trước, việc hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho y học hay đồng ý hiến mô, tạng là chuyện còn khá xa lạ và chưa phổ biến trong đời sống xã hội. Ngày nay, xã hội hiện đại, ngày càng tiến bộ thì những suy nghĩ, quan điểm của con người về sự sống và cái chết trở nên nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng, hiến tạng là trù mình chết sớm, chết mà không toàn thây thì không thể siêu thoát… nên việc vận động của các thành viên không hề dễ dàng.

Anh Phạm Văn Bằng, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Khi tôi đăng ký hiến tạng, gia đình hiểu và đều ủng hộ. Nhưng khi làm công tác vận động thì gặp khó, nhiều người nói tôi khùng, lo chuyện tào lao, nhưng vẫn có người đồng cảm với mình, chịu tìm hiểu, nghe phân tích và tôi đang hướng dẫn cho họ làm thủ tục đăng ký”.

Còn bạn Phạm Tuấn Kiệt chia sẻ: “Hiến tạng không đáng sợ như mọi người nghĩ. Nghĩ cho cùng, sau khi mình chết, thân thể sẽ mau chóng phân huỷ. Nếu còn có thể tiếp thêm nguồn sống cho ai đó, tại sao ta không làm? Hãy tưởng tượng, một người đang mù bỗng nhìn thấy mọi vật trở lại hoặc một người đang sắp chết, bỗng vui khoẻ, yêu đời… Cứ nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy rất hạnh phúc khi mình quyết định hiến thân xác cho y học. Đây cũng là động lực để anh em trong CLB tiếp tục vận động, để tình yêu thương thêm lan toả”.

Bác sĩ CKI Phùng Như Tân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sắp tới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Trung tâm Hiến tạng quốc gia tập huấn cho cán bộ Hội về công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người; đồng thời xây dựng tài liệu truyền thông về hiến mô, bộ phận cơ thể người, để hành động cao đẹp này ngày càng lan toả mạnh mẽ. Hiện Hội Chữ thập đỏ Cà Mau đang rà soát số lượng, kêu gọi vận động, hướng đến thành lập CLB hiến tạng, để mọi người cùng trao tặng yêu thương, nối dài sự sống”. Bác sĩ Phùng Như Tân cho biết thêm, người Cà Mau có ý định đăng ký hiến tạng có thể liên hệ trực tiếp đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh để được hướng dẫn làm thủ tục.

Sự ra đi của một người sẽ không còn là hư không, vô nghĩa, mà mang đến sự sống cho nhiều người khác. Biết bao câu chuyện tử tế về hiến tạng cứu người vẫn đang diễn ra và lan toả những giá trị to lớn, như một phép màu kỳ diệu giữa cuộc sống.

Pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết não). Hiện cả nước có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).