Tp.HCM: Lo thiếu giáo viên tiểu học nhưng khan hiếm người ứng tuyển

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Thiếu giáo viên một số môn học đặc thù trong khi số lượng học sinh gia tăng là áp lực bố trí nhân sự của nhiều đơn vị quản lý giáo dục tại Tp.HCM.

Không có nguồn để tuyển dụng

Thống kê mới nhất của Sở Giáo dục - Đào tạo Tp.HCM vào đầu tháng 2/2023 cho thấy, địa phương đang thiếu 4.468 giáo viên nhưng công tác tuyển dụng giáo viên nhiều môn học chưa đạt 20% so với nhu cầu. Trong đó, khó khăn nhất là tuyển dụng giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, công nghệ,… trong bối cảnh học sinh tiểu học tại Tp.HCM tăng cao.

Đại diện Phòng GD&ĐT quận 1 cho biết: "Mỗi học sinh có một năng khiếu khác nhau. Khi các trường tiểu học thiếu giáo viên bộ môn mỹ thuật và âm nhạc thì họ sẽ sử dụng đến giáo viên nhiều môn. Nhưng mỹ thuật, âm nhạc là những môn về năng khiếu nên giáo viên nhiều môn dù đã được tập huấn thì việc dạy học và truyền cảm hứng vẫn không thể tốt như giáo viên đặc thù được".

Cũng theo vị này, năm học 2022 - 2023, quận 1 cũng đang thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học trong bối cảnh đây là hai môn bắt buộc của chương trình tiểu học mới 2018.

Để lấp đầy giáo viên tiếng Anh và tin học, quận 1 hiện đang chọn giải pháp mời giáo viên thỉnh giảng hoặc phối hợp với các trung tâm bên ngoài nhưng điều này sẽ khó khăn khi các môn học này là môn bắt buộc và 4 tiết của môn học này sẽ "không thu tiền". Vì thế, Phòng GD&ĐT quận 1 mong Tp.HCM sớm có giải pháp về hỗ trợ nguồn giáo viên.

Giáo dục - Tp.HCM: Lo thiếu giáo viên tiểu học nhưng khan hiếm người ứng tuyển

Thiếu giáo viên tiểu học tại các địa phương có dân số cơ học tăng cao là bài toán nhân sự của ngành giáo dục Tp.HCM nhiều năm qua.

Tương tự, Phòng GD&ĐT quận 5 nêu thực trạng hằng năm quận này đều tuyển dụng giáo viên nhưng một số môn đặc thù như mỹ thuật, âm nhạc, tin học… thậm chí không có ứng viên đăng ký.

"Chẳng hạn như ở môn tin học, Luật Giáo dục hiện nay yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ cử nhân. Nhưng cử nhân tin học mà ra trường thì… họ không chọn vào trường tiểu học, đó là một bất cập cần giải quyết", đại diện Phòng GD&ĐT quận 5 nêu ý kiến.

Tại Tp.Thủ Đức, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi địa phương này đang xoay xở với áp lực học sinh tăng nhanh theo sự tăng dân số cơ học. Một số phường có đến 3 trường tiểu học nhưng Tp.Thủ Đức không thể đủ phòng học để bố trí 2 buổi/ngày, thậm chí có những trường chỉ có 35 phòng học nhưng số lớp học đã bố trí lên đến 68 lớp.

Những phường giáp tỉnh Bình Dương còn ghi nhận việc nhiều học sinh ở bên tỉnh này sang học tại các trường tiểu học trên địa bàn Tp.Thủ Đức làm áp lực sĩ số tăng cao khiến cho bài toán tuyển giáo viên trở thành áp lực đối với khu vực này.

Huy động nhiều giải pháp

Thừa nhận tình trạng trên, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức - cán bộ, Sở GD&ĐT Tp.HCM phân tích: “Thật ra, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tương ứng với bộ môn thiếu giáo viên của ngành giáo dục thì rất nhiều. Tuy nhiên, họ lại chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên không đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển”.

Một số trường hợp thì đang theo học khóa đào tạo về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, mà theo quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT thì thời gian đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là 1 năm.

Do đó, để không bị ảnh hưởng dạy học, hiện nay, các trường phải sắp xếp, phân công giáo viên của trường dạy thêm giờ và tính lương làm thêm theo quy định cho các giáo viên này. Có trường thì thỉnh giảng và hợp đồng lao động ngắn hạn.

Song song đó, các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng bằng nhiều phương pháp, nếu nguồn tuyển dồi dào thì tổ chức thi tuyển, nếu nguồn tuyển quá hiếm hoi thì chỉ xét tuyển.

Ngoài ra, ông Tống Phước Lộc cũng cho hay, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã và đang thực hiện một số giải pháp để tuyển giáo viên như: tham gia báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng tại các trường đại học để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành giáo dục - đào tạo Tp.HCM.

Giải pháp về lâu dài là ký kết đào tạo, bồi dưỡng với Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM để các trường này có cơ sở thông báo cho các thí sinh trúng tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên đăng ký theo đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực của lần lượt từng cấp học nói chung và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng.

Từ cuối tháng 11/2022, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Tp.HCM thực hiện thí điểm mô hình lớp học ảo tại Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Hai trường này hiện không có giáo viên tiếng Anh và tin học. Điều kiện cơ sở vật chất và địa thế của hai trường này cũng rất khó khăn, kinh phí hạn hẹp nên chưa mời được giáo viên hợp đồng. Lớp học ảo giúp học sinh lớp 3 của hai trường trên được học với các giáo viên trường khác của Tp.HCM để học sinh theo kịp chương trình.

Giáo dục - Tp.HCM: Lo thiếu giáo viên tiểu học nhưng khan hiếm người ứng tuyển (Hình 2).

Tp.HCM vừa huy động thêm nguồn đào tạo từ các trường đại học, vừa khuyến khích mô hình hợp đồng thỉnh giảng, ngắn hạn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Thế nhưng, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ rằng, hình thức lớp học ảo mới chỉ là thí điểm trong điều kiện thiếu giáo viên. Hiện tại, giáo viên dạy lớp học ảo là những người nằm trong đội ngũ giáo viên cốt cán của sở. Tuy giáo viên đứng lớp dạy từ xa nhưng tại các lớp vẫn phải có giáo viên trợ giảng để hỗ trợ học sinh học tập.

Vì vậy, đối với những đơn vị thiếu giáo viên môn tin học, ngoại ngữ, Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã hướng dẫn các trường có thể ký hợp đồng với giáo viên hoặc thỉnh giảng, hoặc Phòng GD&ĐT có thể điều chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống, hoặc cho phép các trung tâm có năng lực phối hợp dạy học để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ, tin học.

Theo Người Đưa Tin