TP. HCM: Vẫn còn nhiều vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông, đặc biệt là các quy định về nồng độ cồn vẫn còn diễn ra.

Là lực lượng tuyến đầu chống dịch, Phòng Cảnh sát giao thông, đường bộ và đường sắt (PC08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Thành phố và Công an Thành phố. Song song đó, Phòng PC08 cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Phòng PC08 cho biết, từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 14/6/2021 là giai đoạn triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế trên địa bàn thành phố.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 14.230 trường hợp vi phạm. Trong đó, xe mô tô 14.181 trường hợp, xe ba bánh 49 trường hợp, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1.805 trường hợp, tạm giữ 5.919 phương tiện, nộp vào Kho bạc Nhà nước số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

Cùng đó, Phòng PC08 cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt 12.823 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

5afe66ae0c53fa0da342
Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội ở TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao. Ảnh ST

Đặc biệt, trong giai đoạn từ cuối tháng 4/2021 đến nay, có những thời điểm thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố, người dân chỉ được phép ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết, đồng thời việc di chuyển của người dân cũng được lực lượng chức năng kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông, đặc biệt là các quy định về nồng độ cồn vẫn còn diễn ra. Thể hiện qua số liệu xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn của lực lượng CSGT Thành phố cụ thể như sau: Từ 15/4 đến 14/5, lực lượng CSGT xử lý 4.108 trường hợp vi phạm; từ 15/5 đến 14/6, xử lý 2.496 trường hợp vi phạm…

Qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Phòng PC08 xác định nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là do lỗi đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định. Đối tượng gây tai nạn giao thông phần lớn là người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia vẫn thường xuyên diễn ra, đặc biệt là từ 18h hôm trước đến khoảng 5h hôm sau.

Hầu hết các vụ tai nạn giao thông mà lực lượng CSGT phát hiện, xử lý có liên quan đến nồng độ cồn và chất kích thích, người điều khiển phương tiện thường có biểu hiện không tỉnh táo. Thậm chí, có những vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn say rượu đến mức không thể đứng vững để thổi vào máy đo nồng độ cồn. Một số đối tượng còn quá khích, cự cãi, chống đối, thậm chí tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường...

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn tính mạng, phòng tránh tai nạn tham khi tham gia giao thông, thì đòi hỏi mỗi người dân cần phải tự nâng cao nhận thức để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh. Đã uống rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, trong quá trình tham gia giao thông trên đường phải tuyệt đối thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ việc kiểm soát của lực lượng chức năng tại các chốt, trạm kiểm soát dịch.

M.A