Tiếng lòng của những người con xa quê trước Tết cổ truyền dân tộc

Đặng Thu Hằng
Những tờ lịch đầu tiên của năm 2023 đã được lật mở, Tết cổ truyền Quý Mão đang đến rất gần. Với những người con xa quê, thời khắc ấy càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
t1-2-1674396896.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, Tết cổ truyền luôn mang nhiều dấu ấn đặc biệt kèm theo những kỷ niệm gắn liền từ thuở ấu thơ. Tết đến, mỗi người, mỗi cảm xúc khác nhau, nhưng đều có chung tâm trạng là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Ai ai cũng háo hức được trở về nhà sau một năm đầy vất vả. Nhưng khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và nhiều trăn trở khác khiến họ đành lỡ “chuyến tàu quê” mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Xa quê rồi, chúng ta mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm thía cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bè bạn. Và, có nỗi nhớ nào hơn khi nhớ về hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng. Cả gia đình ngồi bên nồi bánh quây quần chuyện trò râm ran thâu đêm. Lúc ấy, ta không chỉ cảm nhận được cái hơi ấm của bếp lửa than nồng mà còn ấm bởi tình cảm gia đình da diết, sâu nặng.

Nhiều năm rời xa quê, nhiều năm đón tết nơi xứ người, những cái Tết được quây quần bên gia đình vẫn cứ hiện diện trong tâm trí mỗi người con xa nhà. Hình ảnh người bà, người mẹ đi chợ Tết mang về những bó lá dong cùng vài cái ống giang chẻ lạt để gói bánh như thiêu đốt lên nỗi lòng chờ đón Tết của lũ trẻ thơ.

Chỉ còn ít ngày nữa Tết Qúy Mão sẽ về. Xuân về gõ cửa mọi nhà trên khắp mọi miền Tổ quốc. Người người, nhà nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng để đón năm mới. Những chuyến xe hối hả ngược xuôi đón đưa người con xa xứ về lại quê nhà. Những giọt nước mắt hạnh phúc sum vầy đoàn tụ cùng với người thân. Năm nào cũng vậy, đâu đó trong những xóm trọ vẫn có những gia đình công nhân nghèo không có điều kiện về quê đón Tết như nhiều người. Những ánh mắt đượm buồn chỉ biết mong ngóng về hướng quê nhà bởi xuân nay con chưa về kịp.

Như gia đình chị Lan – anh Hùng (Hà Tĩnh) “khăn gói” vào thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh. Tiền lương anh chị gửi về cho ông bà nội chỉ đủ để nuôi 2 con ăn học và chi tiêu hết sức tiết kiệm của 2 vợ chồng ở thành phố. Vì vậy, nói đến chuyện về Tết là điều xa xỉ với anh chị. Cho dù cố gắng làm việc thêm giờ nhưng anh chị vẫn không đủ chi phí để về Tết. Nhắc đến Tết, anh chị đều ngậm ngùi thương cha mẹ và 2 con ở quê đón Tết chưa được trọn vẹn, đủ đầy. Tết ở thành phố, mọi cảnh vật, không khí đều rất nhộn nhịp, vui tươi, nhưng lòng anh chị lại buồn tênh và trống rỗng. Nhìn những cánh cửa phòng bên đã khóa, anh chị không khỏi rưng rưng.

Đây không phải năm đầu tiên ăn Tết xa nhà nhưng vợ chồng anh Hà Văn Vinh và chị Trần Thị Ngọc, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn thấy chạnh lòng, nhớ gia đình, nhớ 2 con. Năm nay vợ chồng anh chị định về quê ăn Tết nhưng vì nhiều lý do khác nên không thể về Việt Nam.

“Dù không phải là Tết đầu tiên xa gia đình nhưng đối với tôi mỗi khi Tết đến, nhớ gia đình và hai con gái nhỏ da diết. Nhớ những ngày đang ở nhà vợ chồng tất bật sắm sửa chuẩn bị cho ngày Tết, sang ông bà nội chuẩn bị lá dong, lá chuối đùm bánh chưng,… Tết đến, đưa con cái đi chúc Tết họ hàng. Tết đến vợ chồng tôi chỉ muốn xách va ly trở về với các con. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh tiết kiệm, vợ chồng tôi cố gắng ở lại,..”, chị Ngọc tâm sự.

Vợ chồng chị Võ Thị Huệ, quê Nghệ An cũng đã nhiều năm ăn Tết ở Hàn Quốc. Năm nay hai vợ chồng gửi con gái về quê cho ông bà nên càng nhớ nhà hơn. Năm nào cũng vậy với bàn tay khéo léo, chị Huệ trang trí phòng và mâm cơm đậm chất Tết xứ Nghệ.

“Có lẽ, Tết là thời khắc khiến những người lao động tha hương như chúng tôi thổn thức hơn cả. Đêm giao thừa hai vợ chồng lại gọi điện qua facetime để được nhìn bố mẹ, nhìn ngắm con gái bé bỏng. Nhìn thấy gia đình bình an, con gái vui vẻ là món quà quý nhất đối với gia đình tôi. Vì xa nhà nên vợ chồng rất nhớ hương vị quê hương. Năm nào cũng vậy, vợ chồng gần đến Tết cũng chuẩn bị những món ăn ngày Tết ở Nghệ An. Năm nay con gái về với ông bà nên buồn lắm. Nhưng vợ chồng động viên nhau cố gắng vì tương lai”, chị Huệ chia sẻ.

Thấu hiểu được nỗi lòng của những người con xa xứ, trong những năm qua, Đảng, nhà nước cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp những người con xa quê được đón Tết đầy đủ và đầm ấm hơn. Hàng trăm chuyến xe nghĩa tình nối tiếp nhau hối hả rời thành phố mang theo tâm trạng háo hức sắp được về quê sum họp gia đình. Những món quà trao tay ấm áp tình nghĩa sẽ giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê da diết, nhớ gia đình, bạn bè cùng bà con hàng xóm láng giềng.

Cùng đếm ngược thời gian để chào đón khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời. Chúc cho đất nước ngày càng hưng thịnh, mùa xuân mới, thắng lợi mới, người dân được hạnh phúc, ấm no.

Vũ Hạnh