Thanh Hóa: Phấn đấu năm 2023 đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên

Nguyễn Diệp Linh
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2022 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, riêng lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 đã thu hút được 212 dự án với tổng vốn đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã xây dựng những kế hoạch, định hướng, mục tiêu mới trong năm 2023, cũng như xác định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11,0% trở lên. Trong đó, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên….

Là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trở thành lợi thế của tỉnh này cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

Ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp

Lĩnh vực nông nghiệp đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 212 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.

Năm 2021 và 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút được 36 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư 15.912 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án lớn của Tập đoàn Xuân Thiện, vốn đầu tư mỗi dự án là 2.500 tỷ đồng, hiện nay, các dự án đang được doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng,... để triển khai thực hiện.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

z279726885297615fdce91b4b7867ff4572227f225c724-16344356269851487867632-1670199838.jpgMột góc thành phố Thanh Hóa

Đến nay, Thanh Hóa đã phát triển được hơn 1.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư dự án, mở chi nhánh tại Thanh Hóa như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH nông nghiệp GOLDEN GOAT, Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Newhope… Có một số doanh nghiệp chăn nuôi gắn với nhà máy chế biến, giết mổ lớn như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH Truemilk, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Phú Gia…

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đã có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp. Đồng thời, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp. Gầy đây nhất, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện gần 20 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao phủ hầu hết các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, lâm nghiệp, và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, là chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã dành hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

img-7030-1670252345.JPG
Trường THCS xã Cát Vân, huyện Như Xuân nằm trong Đề án điểm điển hình giảm nghèo bền vững năm 2022

Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025, với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh.

Hàng năm, Thanh Hóa rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu.

Cùng với những điều kiện thuận lợi như hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng, diện tích tự nhiên lớn, nguồn nhân lực dồi dào,.. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư, khởi công dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tỉnh – những con số biết nói

Theo báo cáo đánh giá năm 2022, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có bước phát triển. Cụ thể lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản sản xuất ổn định và khá toàn diện, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.

Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, năng suất các cây trồng chính đều cao hơn so với kế hoạch, trong đó năng suất lúa đạt gần 61 tạ/ha. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021, đã tích tụ, tập trung đất đai được hơn 7.300 ha, chuyển đổi trên 3.100 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có giá trị cao hơn.

1670203594462-1670252350.JPG
Đường giao thông xã Luận Thành, huyện Thường Xuân nay đã được bê tông hóa bằng phẳng

Trong lĩnh vực công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa ước tăng 16,31% so với cùng kỳ, hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ yếu vẫn duy trì đà phát triển ổn định, có sản lượng tăng cao.

Trong năm, Thanh Hóa có thêm nhiều cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn... khởi công một số dự án quy mô lớn như: Dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, góp phần tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 của tỉnh này ước đạt 172.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 5.500 triệu USD, tăng 1,6%, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 9.300 triệu USD, tăng 30,1%. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt trên 11 triệu lượt, gấp 3,2 lần năm 2021.

Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN ước đạt gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp vượt gần 17% kế hoạch, từ đó đưa ra quyết sách cho mục tiêu năm 2023.

Theo đó, tại phiên họp ông Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, cần dự báo, đánh giá sát thực tiễn thuận lợi, khó khăn tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo công tác lãnh, chỉ đạo điều hành “giữ ổn định”, đồng thời luôn nỗ lực cố gắng, thích ứng linh hoạt, sáng tạo để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Phải chuẩn bị chiến lược giai đoạn sau, chuẩn bị tốt công tác khởi công các dự án lớn, cùng với đó là đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2023, một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên, công nghiệp - xây dựng tăng 14,2% trở lên, dịch vụ tăng 9,6% trở lên, thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 14,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 49,0%, dịch vụ chiếm 29,8%, thuế sản phẩm chiếm 6,8%, GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên.

Đối với nhiệm vụ năm 2023, Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, khó khăn, thách thức phải đối mặt còn nhiều, khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại. Ông Đỗ Minh Tuấn yêu cầu cần nghiên cứu lại một số chỉ tiêu như xuất khẩu, huy động vốn phát triển... Cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe đối với công chức, viên chức vi phạm thực thi công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu khi đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu quan trọng, cũng như đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tiếp tục phát huy thì nhất định Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sẽ trở thành một tỉnh kiểu mẫu như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thanh Huyền