Thanh Hóa: Đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo

Nguyễn Diệp Linh
Thanh Hóa là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2012 - 2015.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người nghèo, tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ tiếp tục đưa công cuộc giảm nghèo khu vực miền núi lên một mức độ mới, với quyết tâm “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” Nhờ vậy, những năm qua công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp ở tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, cũng như tiếp cận KHKT, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu và đứng nhóm đầu địa phương trong cả nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất

Thành quả mang lại từ Nghị quyết số 11-NQ/TU

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành chính sách phát triển cho khu vực 11 huyện miền núi. Theo đó, ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Chương trình đề ra các mục tiêu phổ quát và toàn diện, trong đó lấy việc tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi - mục tiêu căn bản.

Theo đó, Nghị quyết 09-NQ/TU ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần định lại đường hướng phát triển cho cả khu vực, gắn với công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế vốn có; đồng thời, coi trọng việc nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đào tạo nghề và vay vốn. Đặc biệt, một dấu ấn đáng ghi nhận trong triển khai chính sách là việc chuyển cách thức hỗ trợ người nghèo. Đó là bước đầu chuyển từ “cho không” sang “cho vay”, với nguồn vốn tín dụng chính sách lên đến hơn 4 nghìn tỷ đồng, đã giúp cho 238,6 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Cùng với việc thiết kế chính sách chung cho khu vực miền núi, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng đến các xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn nhưng thiếu cơ chế và nguồn lực để trụ vững.

Để đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đề ra sáng kiến riêng- hay một sự sáng tạo, đó là tiến hành việc kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi với các huyện miền núi. Việc làm này không chỉ tạo sự cộng đồng trách nhiệm, sự gắn kết giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo; mà còn là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác giảm nghèo, đó là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Từ sự kết nghĩa này, hàng chục tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất... đã hiện hữu. Chưa dừng lại ở việc kết nghĩa giữa các địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng và triển khai chính sách sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên. Kết quả là sau gần 5 năm thực hiện chính sách, từ 100 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, đã giảm xuống còn 6 xã vào cuối năm 2020.

Một quyết sách kéo dài 7 năm, thành quả đạt được có lẽ không thể ấn tượng hơn: Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh (trong đó, riêng 7 huyện nghèo là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân tốc độ này cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 bình quân giảm 5,5%/năm (giảm 11.388 hộ) và giai đoạn 2016-2019 giảm 4,62%/năm (giảm 44.491 hộ). Thu nhập bình quân/người/năm đạt 33,1 triệu đồng (năm 2020) và gấp 3,31 lần so với năm 2012. Đặc biệt, năm 2018 huyện Như Xuân đã thoát khỏi diện huyện nghèo và là 1 trong 8 huyện của cả nước thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Ngoài ra, đã có 592/1.787 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 33,12%); 63/225 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 28%).

Những quyết sách đến năm 2030 không còn hộ nghèo

anh-3-thanh-hoa-phan-dau-den-nam-2030-kg-con-huyen-ngheo-xa-kho-khan-1670199546.jpgThanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn
 

Trao đổi với phóng viên ông Mai Xuân Bình- tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay: người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện các chính sách giảm nghèo. Do đó, phải đưa chính sách đến với người dân, để họ biết, hiểu và làm. Muốn vậy, không thể không bắt đầu từ sự đổi mới tư duy truyền thông chính sách. Điều đáng chú ý là cách thức truyền thông ra sao để có thể tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Đồng thời, phải truyền tải thông điệp như thế nào để có thể tạo dựng được niềm tin, sự ủng hộ của Nhân dân vào các quyết sách, cũng như tạo được sự cộng đồng trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách vào cuộc sống... Đó là vấn đề không dễ và cũng không phải của riêng cấp, ngành nào, hay địa phương, cơ quan, đơn vị nào; mà là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mới tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, khí thế thi đua sôi nổi và mang lại hiệu quả thiết thực.

Do vậy, những năm qua kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8% (năm 2020 đạt 8,5%); quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% GRDP toàn tỉnh.

Đến năm 2021, tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới đạt 99,8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,47%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 88,6%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 90,3%, tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn đạt 55%... tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 6 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,66%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành, tỷ lệ giảm nghèo chung cả tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa sẽ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo. Đồng thời từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng các chính sách, chế độ và dự án ưu tiên với nhiều giải pháp sát thực, mang lại hiệu quả cao, giúp người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Hiện, Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.

Thanh Huyền