Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này liệu có phù hợp, khi doanh nghiệp khó khăn?

Lã Thị Thúy hằng
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần phục hồi sau đại dịch, còn rất nhiều khó khăn do biến động giá nguyên vật liệu thì một chính sách thuế điều chỉnh thời điểm này là "lợi bất cập hại".

Bộ Tài chính đang dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn. Lý do đây là những thức uống gây bệnh thừa cân béo phì và việc đánh thuế để điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

a7-1678968099.jpg

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, các chuyên gia về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, các chuyên gia về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại Hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 15/3 do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát của VBA cho biết, doanh nghiệp rất chia sẻ với mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu vượt quá khả năng gánh chịu.

Theo ông Vương, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm bia, có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống. "Dù không muốn nhắc lại nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có ngành nước giải khát, bia, rượu. Doanh nghiệp cần môi trường ổn định về thuế phí để quay trở lại mức tăng trước dịch bệnh, đồng thời thực hiện bền vững hơn trong nộp thuế bền vững cho Nhà nước", ông Vương chia sẻ và cho rằng việc hạn chế lạm dụng rượu bia, nghiêm cấm tham gia giao thông sau khi uống rượu bia... là các biện pháp hiệu quả hơn trong việc hạn chế nguồn gốc gây tác hại của rượu bia.

Do đó, đại diện VBA kiến nghị xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023 - 2024 nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch, đồng thời không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, đại diện VBA cho rằng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội; cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.

Cũng tại hội thảo, TS Phạm Tuấn Khải - Chuyên gia luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cũng cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần có đánh giá tác động xã hội của điều luật kỹ hơn khi được điều chỉnh như việc phản ứng của doanh nghiệp phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Trong lộ trình xây dựng luật cần quan tâm yếu tố tác động của luật với người tiêu dùng, với kinh tế và xã hội và không nên làm nóng vội, ảnh hưởng đến người làm chính sách và các doanh nghiệp", ông Khải nói.

Đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng thuế tiêu thụ đặc biệt đáp ứng được yêu cầu cao hơn, đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng đặt vấn đề chính sách được đề xuất có đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 không? Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, trong khi doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn.

Theo ông Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách), tính toán chính sách cần nhìn vào thực trạng, thực tế nền kinh tế. "Nếu tăng thuế suất lúc này, tổng thu ngân sách chưa chắc tăng, ngược lại có thể giảm vì mức thuế quá cao. Tổng cầu trên GDP đang giảm mà tăng thuế sẽ khiến tỷ trọng này đi xuống". Trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế với doanh nghiệp, người dân nên duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. "Thay vì tăng thu từ tăng thuế nên nuôi dưỡng cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển", ông Việt nêu quan điểm.

a6-1678968278.jpg

TS Võ Trí Thành (thứ hai từ phải sang) phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, mỗi loại thuế đều có ưu điểm và nhược điểm. Trong đó, quan trọng nhất của một chính sách thuế là tìm "điểm cân bằng" để giảm thiểu tiêu cực đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp.

Do vậy, việc đề xuất áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia cần tính đến thời điểm và một lộ trình dài hơi. Nên tính toán lùi thời điểm sửa đổi luật này sang ít nhất là năm 2026, với mục tiêu hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô và sự chuẩn bị của các đối tượng bị tác động.

Các ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng, việc hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, đặc biệt đây là thời điểm doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ bởi tác động của dịch bệnh và còn kinh tế vĩ mô chung. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn thiếu dòng tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên. Việc tăng thuế lúc này chẳng khác nào đẩy họ đến đường cùng.

L.Hằng