Số người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trên toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022

Đặng Thu Hằng
Năm 2022, khoảng 258 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp do ảnh hưởng của xung đột, các cú sốc về kinh tế và các thảm họa khí hậu, tăng mạnh so với mức 193 triệu người của năm 2021.

Chú thích ảnh

Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn gần làng Yazi Bagh, Syria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây là kết quả báo cáo mới của Liên hợp quốc (LHQ) về các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, việc có tới hơn 250 triệu người đối mặt với tình trạng đói kém ở những mức độ khẩn cấp, trong đó nhiều người có nguy cơ chết đói, là điều không thể chấp nhận được. Theo ông, báo cáo đã phản ánh thất bại về mặt nhân đạo khi thế giới nỗ lực đạt tiến bộ trong thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo của LHQ, hơn 40% số người cần lương thực khẩn cấp sống ở các nước gồm CHDC Congo, Ethiopia, Afghanistan, Nigeria và Yemen. Năm 2021, thế giới có 193 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực ở các mức độ khẩn cấp tập trung ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2022, số lượng người trong diện trên tăng lên 258 triệu người, mở rộng ra 58 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022 cũng là năm thứ 4 liên tiếp số liệu trên tăng.

Các cuộc xung đột và tình trạng di dân trên diện rộng tiếp tục là những nguyên nhân chính khiến nạn đói toàn cầu thêm nghiêm trọng. Ông Antonio Guterres cho rằng nghèo đói gia tăng, bất bình đẳng sâu sắc hơn, sự phát triển bị kìm hãm, khủng hoảng khí hậu và các thảm họa thiên nhiên cũng góp phần dẫn tới mất an ninh lương thực.