Sơ, cấp cứu đúng và kịp thời khi tai nạn giao thông còn thấp

Tai nạn giao thông xảy ra đã gây thương vong cho nhiều người, thực tế tại Việt Nam, khi tai nạn giao thông, rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian “giờ vàng” chưa được tận dụng triệt để, nếu được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể bảo toàn được mạng sống của người bị nạn hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể

Tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/4/2022), toàn quốc xảy ra 3.808 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.276 người, bị thương 2.431 người. So với 4 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 694 vụ (-15,42%), tăng 7 người người chết (0,31%), giảm 801 người bị thương (-24,78%). Như vậy, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nước ta vẫn tăng.

 


Cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Trong vòng một giờ đầu sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân.  Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương cho nạn nhân. 
Thực tế tại Việt Nam, khi tai nạn giao thông, rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian “giờ vàng” chưa được tận dụng triệt để, nếu được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể bảo toàn được mạng sống của người bị nạn hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể. Song do không được sơ cứu kịp thời, đúng cách vì phần lớn những người đầu tiên tiếp cận cứu người bị nạn thường là những người không có chuyên môn y tế hoặc không có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu, nên đã vô tình tạo ra những sai sót trong quá trình cấp cứu làm cho tình trạng nạn nhân trở nên trầm trọng hơn, thậm chí còn có thể gây thêm tai nạn cho chính họ trong quá trình cứu nạn.
Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông được sơ, cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp do hầu hết các trường hợp tai nạn xảy ra ở xa các khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, thậm chí tại vùng sâu, vùng xa. Cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, chiếm hơn 90%, tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu chỉ chiếm gần 5%. Thực tế, việc cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng, sự tham gia của hệ thống cấp cứu 115 rất hạn chế.
Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế khi xảy ra tai nạn giao thông là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược nêu rõ, đối với công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông, mục tiêu đặt ra là 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ được bố trí đầy đủ hệ thống các trạm cấp cứu, hoặc trong vùng phục vụ của cơ sở y tế có khả năng cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trung tâm cấp cứu y tế 115; tất cả các bệnh viên đa khoa cấp huyện trở lên đảm bảo năng lực cấp cứu, tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược xác định, trong giai đoạn 2031 – 2045 sẽ kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ ở ba tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ. 
Hạnh Nguyên
 

Link nội dung: https://www.nhandaoonline.vn/so-cap-cuu-dung-va-kip-thoi-khi-tai-nan-giao-thong-con-thap-a522.html