Phục hồi giải quyết tố giác, giám định ADN toàn bộ người sống tại Tịnh thất Bồng Lai

Đặng Thu Hằng
Công an tỉnh Long An đã đến Tịnh thất Bồng Lai, lấy mẫu ADN xét nghiệm huyết thống cho 23 người bao gồm cả trẻ em sống tại đây để phục vụ điều tra tin báo tố giác tội phạm về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cụ thể, tối ngày 24/9, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An thông tin rằng đã có quyết định phục hồi giải quyết tin báo tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Lê Tùng Vân và một số người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (hay còn gọi là "Tịnh thất Bồng Lai" hoặc "Thiền am bên bờ vũ trụ").

1-15900530361781902946597-1664025627295982767866-1664030720.png

Bị cáo Lê Tùng Vân và những người tự xưng là tu sĩ ở Tịnh thất Bồng Lai từng nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đến hộ bà Cao Thị Cúc để lấy mẫu xét nghiệm ADN của 23 người đang sống ở đó, bao gồm cả 10 trẻ em (lớn nhất là 8 tuổi, nhỏ nhất 14 tháng tuổi).

Đại diện Cơ quan An ninh điều tra Công an Long An cho biết thời gian qua, có những tin báo, tố giác cho rằng những đứa trẻ ở "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là trẻ mồ côi như Lê Tùng Vân và những người lớn sinh sống tại đó nói. Ngược lại, có nhiều tin báo tố cáo cho rằng những đứa trẻ này có mối quan hệ huyết thống với những người lớn đang sinh sống tại đây.

Do đó, việc lấy mẫu xác định ADN là cần thiết và có liên quan gì đến việc điều tra để làm rõ tin báo Lê Tùng Vân cùng một số người ở "Tịnh thất Bồng Lai" giả mạo nuôi trẻ mồ côi để lừa gạt, nhận tài trợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,

anh-chup-man-hinh-2022-09-24-201821-1664025627423660443798-1664029297.png

Bị cáo Lê Tùng Vân và những người sống tại Tịnh thất Bồng Lai bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Zing News)

Trước đó, Công an tỉnh Long An cũng nhận được nhiều đơn thư tố cáo một số người sống tại “Tịnh thất Bồng Lai" đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có được, cơ quan chức năng đã tập trung điều tra và khởi tố, truy tố nhiều cá nhân về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung, sửa đổi năm 2017.

Đến ngày 21/7, TAND huyện Đức Hòa tuyên án sơ thẩm đối với 6 bị cáo gồm: Lê Tùng Vân 5 năm tù, các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi bị cáo bị tuyên phạt 4 năm tù; bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù.

bong-lai-2-6998-1664030921.jpeg

Bị cáo Lê Tùng Vân đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Long An. (Ảnh: Thanh Niên)

Lê Tùng Vân và 5 bị cáo còn lại đều đã gửi đơn lên TAND tỉnh Long An kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa. Trong đơn, bị cáo Lê Tùng Vân khẳng định mình không mạo nhận là đức Phật, không mạo danh đức Phật, không phỉ báng đạo Phật, không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa.

Ngược lại, bị cáo Vân cho rằng mình và một số người ở "Tịnh thất Bồng Lai" là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài.

Cũng theo đơn kháng cáo, bị cáo Lê Tùng Vân yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên ông và các "đệ tử" của mình không phạm tội, trả tự do, đình chỉ vụ án.