Phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”

Đặng Thu Hằng
Chiều 10/4, phát biểu tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dân tộc ta có truyền thống đạo lý rất tốt đẹp là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại buổi gặp mặt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm tới công tác đền ơn đáp nghĩa, không chỉ trong mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ, mà ở bất cứ đâu có điều kiện, bất cứ khi nào có thể làm được việc gì cho người có công, Nhà nước cũng đều đầu tư nguồn lực chăm lo; chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đều quan tâm.

Phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chia sẻ, động viên tại buổi gặp mặt.

Ghi nhận các kiến nghị của các cựu tù chính trị, tù binh Thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây đều là những ý kiến xác đáng; trong đó nhấn mạnh tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cách điều trị, chế độ chính sách, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện giải quyết hồ sơ tồn đọng; trong những trường hợp chưa được Nhà nước cấp chứng nhận, có thể bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn tôn vinh với hình thức Nhà nước, xã hội hóa để có chế độ bằng như những trường hợp đã được xác nhận.

Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những kết quả hoạt động mà Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong 22 năm qua.

“Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức không chỉ cần thiết cho các thành viên, mà còn cần cho cả Đảng, cho đất nước và cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hình thức tập hợp, giáo dục truyền thống rất sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ban đã xây dựng được Quỹ Nghĩa tình đồng đội với hơn 8 tỷ đồng để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng cho các cháu cựu tù nhà nghèo học giỏi và các cháu học sinh khác; phối hợp giải quyết trên 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù.

Phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” ảnh 2

Quang cảnh buổi gặp mặt tại Nhà Quốc hội.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao việc Ban Liên lạc đã viết, biên soạn, sưu tầm in 6 đầu sách về tù, nhà tù, kỷ yếu ảnh về hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh; trong đó có tập sách Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh - Nhân vật và sự kiện (ra mắt tháng 12/2013) với hơn 1.500 trang, nội dung chính là hình ảnh cá nhân của gần 9.000 nhân vật từng là tù chính trị hoặc tù binh thời chống Pháp và chống Mỹ.

“Đây là hình thức rất đặc biệt, giúp Đảng, Nhà nước nói chung và cấp ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua những tấm gương rất tiêu biểu. Đây là tư liệu rất quý giá do chính người trong cuộc viết nên tính toàn diện, chân thực và giá trị lịch sử không gì so sánh được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá rất cao nỗ lực hỗ trợ giải quyết hơn 1.000 hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng. Giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta rất trăn trở, vì có nhiều trường hợp không có giấy tờ chứng minh, không có nhân chứng. Mấy năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng đã tập trung tối đa giải quyết vấn đề hồ sơ người có công còn tồn đọng.

“Phương châm của chúng ta là “Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, nên phải cố gắng ở mức cao nhất để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Đây là việc rất cấp bách, vì nhiều bác tuổi đã cao”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Đoàn cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, trong đó có nêu rất rõ chính sách với người có công. Dự kiến, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII sẽ tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết. Bộ Chính trị đã thống nhất sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết mới để tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách về công tác xã hội, trong đó có các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách với người có công.

Cùng với đó, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, trong đó đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày và thân nhân.

Với 69 đại biểu trong Đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi đồng chí là một câu chuyện sống động, một pho lịch sử sống gắn với những sự kiện của lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng, trước mắt sẽ rà soát để sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để tôn vinh nhiều trường hợp xứng đáng được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng, hay tôn vinh những trường hợp là Việt kiều tự nguyện về nước tham gia cách mạng…

Trân trọng lắng nghe những kiến nghị của đại biểu nêu ra tại cuộc gặp, trong đó có ý kiến của bác Nguyễn Thị Bé Bảy, 79 tuổi, nạn nhân chất độc da cam đề nghị nghiên cứu biệt dược, phương thức điều trị dành cho nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển ý kiến tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.

“Sắp tới, khi Trung ương thảo luận về tổng kết Nghị quyết số 15, chúng tôi cũng sẽ nêu lại vấn đề này để Trung ương xem xét”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.