Ông đồ Tây mê Hà Nội, viết thư pháp điêu luyện, du khách xếp hàng xin chữ

Đặng Thu Hằng
Ông đồ người Pháp Jean - Sébastien Grill khiến nhiều người dân Hà Nội và du khách thích thú, bất ngờ khi mặc áo the, khăn xếp, nói tiếng Việt thành thạo và viết thư pháp điêu luyện tại Hội chợ xuân Quý Mão 2023 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ông đồ người Pháp mặc áo the, khăn xếp, thuần thục viết thư pháp Việt trong Hội chợ xuân Quý Mão 2023 (khu vực Hồ Văn, thuộc Di tích Quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám) khiến du khách không khỏi ngạc nhiên. Nhiều người ghé lại ngắm nhìn, hỏi chuyện và xếp hàng xin chữ.

"Thật bất ngờ, anh ấy nói tiếng Việt y như người Việt vậy. Anh ấy viết chữ cũng rất đẹp!", anh Hùng Mạnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Chỉ trong ít giờ vào sáng mùng 1 Tết, anh Jean đã hoàn thành hơn 10 bức thư pháp dành tặng du khách và người dân.

Ông đồ đặc biệt này là Jean - Sébastien Grill (42 tuổi, quốc tịch Pháp). Anh Jean cho biết, anh có vợ là người gốc Việt. 7 năm trước, do yêu mến văn hóa, cảnh đẹp và truyền thống của Việt Nam, anh tự mày mò học tiếng Việt. Sau đó, anh bén duyên với thư pháp. Anh từng 4 lần tham gia hội tranh triển lãm, nhưng đây là lần đầu tiên ông đồ Jean - Sébastien cho chữ tại Hội chợ xuân.

thay-do-tay-14-888-1674467766.jpeg
 

Say mê cảnh đẹp Việt Nam

Năm 2006, anh Jean kết hôn với người vợ mang hai dòng máu Việt - Campuchia. Cùng năm đó, lần đầu tiên anh được tới Việt Nam, thăm quê hương vợ.

Xuyên suốt một tháng, vợ chồng mới cưới cùng nhau khám phá khắp Hà Nội, miền núi phía Bắc. Chàng trai Pháp "mê như điếu đổ" cà phê vỉa hè, phở, bánh mì... và cảnh sắc tươi đẹp của Hà Nội. Sau chuyến đi, anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Cứ dịp hè hàng năm, hai vợ chồng lại từ Pháp về thăm quê, du lịch.

Khoảng 10 năm sau, gia đình anh chuyển về Việt Nam sống và làm việc. Vốn là nhân viên thiết kế đồ họa, khi về Việt Nam, anh đảm nhận thiết kế đồ họa cho một thương hiệu thời trang địa phương, đồng thời tìm học các phương pháp chữa bệnh cổ truyền như tác động cột sống, châm cứu,…

Giữa năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, anh đưa vợ và hai con (6 và 9 tuổi) về Pháp. "Khoảng 3 tuần trước, tôi sắp xếp công việc để trở về Việt Nam tham gia ứng tuyển ông đồ tại Hội chợ xuân Quý Mão. Tôi gửi tác phẩm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được hội đồng khảo tuyển đánh giá cao và lựa chọn làm một trong 50 ông đồ, anh Jean tự hào chia sẻ.

thay-do-tay-7-889-1674467766.jpeg
 

Bén duyên thư pháp Việt

Năm 2015, anh Jean - Sébastien được một người bạn Hàn Quốc giới thiệu về thư pháp. Chàng trai người Pháp bắt đầu tìm hiểu về những cây bút lông, giấy, khay mực... Anh rất hứng thú với bộ môn nghệ thuật mới, song do không biết tiếng Hàn Quốc nên anh chuyển qua nghiên cứu thư pháp Việt Nam.

Trong thời gian sống ở Hà Nội, anh có 3 năm theo học thư pháp với hai người thầy có tiếng trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Những ngày đầu, anh vất vả học cách sử dụng bút lông. Anh tập luyện mỗi ngày, và mất rất nhiều thời gian để "gân cốt vừa cứng vừa mềm dẻo".

Sau 32 buổi, anh nhận chứng chỉ đã hoàn thành khóa học. Sau đó, anh Jean còn kì công đi gặp những người làm khắc dấu, giấy dó,… để tìm hiểu kĩ hơn về thư pháp. Theo anh, viết thư pháp không chỉ là rèn đôi tay, rèn nét chữ mà còn rèn cả tâm hồn.

"Thư pháp khiến tâm hồn tôi thật đẹp, bình an, khám phá được vẻ đẹp bên trong sâu thẳm con người", anh Jean chia sẻ.

Theo ông đồ Tây này, bước khó nhất trong một bức thư pháp chính là căn chỉnh bố cục, làm sao để trên bề mặt tờ giấy dó, phần trên tượng trưng bầu trời, dưới là mặt đất, những nét chữ đậm - nhạt sẽ được hài hòa ở giữa.

Anh Jean lấy bút danh là "Trường Giang" bởi cách phát âm tên "Jean" trong tiếng Pháp tương đồng với âm "Giang" trong tiếng Việt. Một người bạn Việt Nam đã gọi anh là "Trường Giang", với ý nghĩa "Cuộc sống lâu dài". Tại cuộc thi viết chữ xuân 2023, anh đạt giải nhì viết chữ quốc ngữ. Anh trình diễn nhiều nhất là chữ: Đức, Tâm, Bình an, Thịnh vượng.

Bất cứ vị khách nào ghé qua, anh Jean đều hạnh phúc chia sẻ về thư pháp và tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam. "Tôi rất hạnh phúc khi được viết chữ tặng mọi người vào dịp đầu xuân năm mới. Sau này trở về Pháp, tôi dự định sẽ tiếp tục phát triển, mở những lớp học chia sẻ bộ môn này tới trẻ em, người yêu nghệ thuật. Qua đó, tôi hy vọng giới thiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế", anh tâm sự.

Jean - Sébastien sẽ cho chữ tại Hội chợ xuân đến hết mùng 5/1 Âm lịch, sau đó anh dự định tới miền Nam thăm người thân, du lịch trước khi trở về Pháp.