Niêm yết giá dâng sao giải hạn: Nên hay không?

Nguyễn Diệp Linh
Dâng sao giải hạn là truyền thống văn hoá dân gian nhưng một số ngôi đền, chùa lại công khai quy định giá cho người dân đóng tiền làm lễ khiến nhiều người băn khoăn.

Cứ "đến hẹn lại lên", sau dịp Tết nguyên đán, người dân khắp nơi đã lên chùa để làm lễ dâng sao giải hạn với mong muốn cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn. Các hoạt động này diễn ra vô cùng sôi động, năm sau đông hơn năm trước. Thậm chí có những năm, tình trạng chen lấn xô đẩy, phản cảm diễn ra khiến cho nhiều người ngán ngẩm.

Văn hoá - Niêm yết giá dâng sao giải hạn: Nên hay không?

Tối ngày ngày 2/2 (tức 12 tháng Giêng năm Quý Mão), tại sân chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Tp.Hà Nội) chật kín người đến làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tục dâng sao giải hạn bắt nguồn từ Đạo giáo. Người ta quan niệm mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh cho một người, mỗi năm ấy có thể có sao tốt hoặc sao xấu. Theo quan điểm này, sao xấu có nguy cơ mang đến điều không tốt lành nên con người phải dâng sao, cậy nhờ sức mạnh thần linh để vượt qua ách nạn.

"Hiện nay có 3 đối tượng đi dâng sao giải hạn: Những người tin vào tâm linh và thành tâm, những người thấy người ta làm thì cũng làm, và những người làm cho yên tâm vào đầu năm. Theo tôi, ranh giới giữa tâm linh, tâm lý là rất mong manh. Việc dâng sao giải hạn là không đúng tinh thần thuần khiết của Phật giáo, không đúng tinh thần nhà Phật", PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Phát triển cho biết thêm, hiện nay nhiều nơi tổ chức lễ dâng sao giải hạn nhưng lại niêm yết giá khá cao. Ông Đức phản đối việc này, việc giải hạn cho người khác mà "phát giá cao", lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân là không nên.

"Việc thu tiền và thu tiền cao để dâng sao giải hạn, làm lợi cho các cơ sở thờ tự, địa phương có cơ sở thờ tự ấy. Các nhà tu hành cũng nói rằng, việc dâng sao giải hạn không phải là tín ngưỡng của Phật giáo.

Mọi người đến chùa là nghe sự giác ngộ của nhà Phật để làm những điều tốt hơn chứ không phải làm lễ để giải được những điều xui. Dâng sao giải hạn mà ảnh hưởng của tư duy kinh tế là không hay...", ông Đức thẳng thắn.

Văn hoá - Niêm yết giá dâng sao giải hạn: Nên hay không? (Hình 2).

Người dân làm lễ dâng sao giải hạn để cầu một năm có nhiều may mắn, tài lộc.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo thì chia sẻ, dâng sao giải hạn là truyền thống văn hoá dân gian Việt Nam. Các chùa làm lễ dâng sao giải hạn đáp ứng nhu cầu đó của người dân, tuy nhiên, từ chỗ là niềm tin, là nhu cầu bình thường chuyển sang mê tín, mê muội, thậm chí đến mức cuồng tín là không ổn.

"Chuyện lợi dụng dâng sao, giải hạn để kiếm tiền là đáng trách. Dâng sao giải hạn mà niêm yết giá là không nên. Có thể, nơi đó, quan niệm là nên công khai chuyện thu tiền người dân đến làm lễ nhưng theo tôi, cái này là tuỳ tâm", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, cúng sao giải hạn nên tuyên truyền cho người dân hiểu đúng ý nghĩa của nghi lễ này, hướng dẫn thực hiện nghi lễ một cách trật tự, có văn hoá, tránh phản cảm, gây ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo cũng như gây bức xúc trong dư luận. Các cơ sở tổ chức cúng dâng sao nên có cách thức tổ chức để tránh quá tải, lộn xộn.

Theo Người Đưa Tin