Những quy tắc cần nhớ khi xem pháo hoa để đảm bảo an toàn

Đặng Thu Hằng
Trong các dịp Lễ, Tết thì việc bắn pháo hoa sẽ khiến không khí thêm rộn ràng, vui tươi. Tuy nhiên nó cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, đôi khi ảnh hưởng tới cả tính mạng. Dưới đây là những khuyến cáo để người dân có thể đảm bảo an toàn khi ngắm pháo hoa.
phao20hoa202-1671647217.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Các biện pháp xem pháo hoa an toàn:

Đứng xa nơi bắn

Pháo hoa là loại pháo sử dụng thuốc phóng, thuốc nổ và các phụ gia đặc biệt. Thuốc nổ là một hỗn hợp lưu huỳnh và kali nitrat… Ngoài ra, pháo hoa sử dụng rất nhiều chất phụ gia để tạo màu cho ánh sáng. Thực tế, người ta thường cho thêm vào đó một số muối hóa, kim loại... để tạo màu sắc đẹp cho pháo hoa.

Theo các chuyên gia, pháo hoa được bắn trong không gian rộng, nếu có các chất độc thì chúng cũng được pha loãng và lại ở tầng phía trên nên độ độc hại cũng giảm. Tuy nhiên, chúng sẽ ít nhiều gây độc cho những người đứng quá gần. Cách tốt nhất là nên đứng xa chỗ bắn pháo hoa vì đấy là chỗ có thể sẽ tích tụ nhiều khói có chứa chất độc nhất. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn tuyệt đối nên đeo khẩu trang để tránh hít phải khói của pháo hoa.

Đeo khẩu trang

Để bảo vệ sức khỏe thì nên đeo khẩu trang khi xem pháo hoa. Một số điều cần lưu ý là không nên đứng xem pháo hoa ở gần chỗ bắn pháo. Hơi độc ở chỗ này khó được giải phóng, chúng sẽ gây ngộ độc khi hít phải. Khi ngửi thấy mùi khét giống như mùi thuốc pháo thì không nên hít thở sâu và nhanh chóng di chuyển đến nơi thoáng khí.

Theo TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TW, mặc dù pháo hoa được Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý và tổ chức bắn hàng năm vào các dịp lễ Tết, hay do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi thực hiện nhưng khi đi xem pháo hoa, đốt pháo hoa để đảm bảo an toàn chúng ta cần lưu ý các điều sau:

Tôn trọng hàng rào bảo vệ của khu vực bắn pháo hoa, tuân thủ các quy định an toàn, xem pháo hoa cách điểm bắn ít nhất là khoảng 160 m. Không cầm nắm, nhìn ngó vào các quả pháo chưa nổ.

Không nghịch ngợm các công cụ trợ giúp, các mảnh văng, các chi tiết còn sót lại của pháo hoa. Chúng đều có nhiệt độ cao, có hóa chất có thể gây bỏng. Trẻ em đi xem pháo hoa cần có một người lớn giám sát.

Không chơi đùa, chạy nhảy khi pháo đang bắn. Dọn dẹp các vật liệu dễ cháy như lá khô, cỏ khô khỏi vùng bắn pháo hoa. Chuẩn bị nước hoặc bột khô để dập các mảnh pháo cháy dở….

Cách ứng phó khi có tình huống cấp cứu xảy ra trong lúc xem bắn pháo hoa:

Trong đám đông nếu có các tình huống không may xảy ra như bệnh nhân hay trẻ bị mệt, ngất, khó khở,…, cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế, bạn không nên hoang mang la hét hoặc tự chạy đưa bệnh nhân/con đi cấp cứu, hãy bình tĩnh giãn rộng để có không khí hít thở, nới rộng cúc áo, quạt mát cho người bệnh, gọi ngay cấp cứu 115 và nhân viên tại các địa điểm đã nêu để được xử trí.

T.H.