Nhiều giáo viên huyện miền núi Thái Nguyên gửi đơn xin đề nghị hỗ trợ

Nguyễn Diệp Linh
Nhiều giáo viên có thâm niên công tác hàng chục năm tại huyện Định Hóa, Thái Nguyên, đã đồng loạt làm đơn gửi các cấp đề nghị có những chính sách hỗ trợ.

Khó khăn với hợp đồng giao khoán

Sau khi UBND huyện Định Hóa ra công văn số 36 về việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhiều giáo viên tại huyện miền núi này đang đêm ngày trăn trở. Không ít "người lái đò" đã tự nghỉ dạy 1 đến 2 ngày vì quá thất vọng.

Có gần 10 năm cống hiến cho ngành giáo dục Định Hóa, cô Lương Thị Trang (giáo viên trường THCS Tân Thịnh) thấm hơn ai hết tâm trạng của các giáo viên hợp đồng giao khoán. Cô cũng là một trong số hơn 30 giáo viên tại huyện miền núi làm đơn đề nghị có chế độ ưu tiên đối với giáo viên có hợp đồng lâu năm.

 

Các giáo viên gửi đơn xin có cơ chế mở đối với giáo viên hợp đồng lâu năm.

Với cô Trang, động lực để tiếp tục theo đuổi nghiệp trồng người chính là tình thương đối với các học trò và giấc mơ được vào biên chế. Thế nhưng, dù có bằng đại học chính quy, giấc mơ ấy cứ ngày càng xa dần khiến không ít thầy cô nản lòng.

"Đầu năm 2018 thì Phòng Giáo dục chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều giáo viên rồi sau đó lại chuyển qua hợp đồng giao khoán.

Với hợp đồng kiểu như vậy thì giáo viên thật sự rất thiệt thòi. Các thầy cô vẫn hoàn thành tốt, đầy đủ các nhiệm vụ nhưng các chế độ lại khác xa nhau. Thiệt thòi nhất là không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chưa kể việc lương tính theo số tiết khiến những tháng hè, tết không có lương. Nhiều giáo viên ngoài thời gian dạy còn phải đi làm thêm, bán hàng online", cô Trang cho biết.

Cũng theo cô Trang, vào đầu năm 2020 huyện Định Hóa đã có công văn yêu cầu rà soát các giáo viên hợp đồng có thời gian giảng dạy và đóng bảo hiểm bắt buộc từ 31.12.2015 trở về trước để được đặc cách vào biên chế. Tuy nhiên khi nhiều giáo viên đã hoàn thiện hồ sơ thì huyện lại trả lời địa phương không được giao chỉ tiêu nào.

Đến năm 2023 khi Định Hóa có 76 chỉ tiêu thì không có ưu tiên cho các giáo viên có hợp đồng lâu năm. Thậm chí môn thiết yếu như Văn lại không có chỉ tiêu nào.

Cô Trang tâm sự: "Giờ chỉ mong các cấp có thẩm quyền ghi nhận những đóng góp của các giáo viên hợp đồng để có cơ chế mở.

Ngoài những chính sách ưu tiên giáo viên hợp đồng lâu năm thì còn được một số chế độ như đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, những ngày lễ tết có lương, có trợ cấp".

Mong chế mở

Cùng chung nỗi niềm, thầy Phạm Văn Thắng (từng là một giáo viên hợp đồng tại Định Hóa) cũng đã làm đơn đề nghị về việc ưu tiên đối với các giáo viên hợp đồng lâu năm.

Theo thầy Thắng, các giáo viên theo kiểu hợp đồng giao khoán tại Định Hóa đang gặp vô vàn khó khăn. Dù vẫn hoàn thành nhiệm vụ không khác gì các giáo viên biên chế nhưng các chế độ hỗ trợ lại rất thiệt thòi.

"Theo công văn tuyển dụng của huyện thì không có ưu tiên cho các giáo viên hợp đồng lâu năm nên mọi người rất thất vọng.

Cá nhân mình đã nghỉ dạy nhưng vẫn luôn mong có cơ chế mở. Mọi người đã cống hiến cả thanh xuân cho giáo dục huyện nhà nhưng lại không được đền đáp xứng đáng. Giờ chỉ mong có nhiều chính sách hỗ trợ để mọi người có thể yên tâm công tác", thầy Thắng chia sẻ.

Cũng theo thầy Thắng, dù là hợp đồng giao khoán nhưng các thầy cô vẫn phải làm gần hết công việc. Đứng trên bục giảng mà lòng ai cũng băn khoăn về vị trí của mình.

 

Các giáo viên mầm non cũng gặp rất nhiều khó khăn với hợp đồng giao khoán.

 

Trước những băn khoăn kể trên, hơn 30 thầy cô đã cùng nhau làm đơn gửi lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các Sở ban ngành để mong muốn có nhiều chế độ hỗ trợ các giáo viên hợp đồng lâu năm.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Hoài (Trưởng Phòng Giáo dục huyện Định Hóa) cho biết: "Phía đơn vị đã tiếp nhận được thông tin về những tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo trên địa bàn. Trước đó, Phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện, thậm chí kiến nghị lên Sở GDĐT về một số chế độ dành cho giáo viên hợp đồng giao khoán.

Các định mức thì ngành cũng chỉ làm theo nghị quyết của Hội đồng. Thực rất chia sẻ và thông cảm với các giáo viên".

Theo báo Lao động