Nhiều Công ty du lịch đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Ngành du lịch là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại trong dịp đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã ngừng hoạt động và bị thiệt hại nặng nề.

Sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 đã khiến nó vượt xa dịch bệnh Sars (2002 - 2003) và MERS về số ca nhiễm bệnh. Trong thời gian tới thì cũng sẽ vượt xa về số người chết.

Dù mới xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên tất cả các ngành nền kinh tế trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Kể từ ngày 28/1/2020, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động du lịch nội địa và du lịch nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc như các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản… và Việt Nam.

Theo thống kê, trong năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó các tỉnh thành như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc... đón nhiều khách Trung Quốc nhất.

Ngay cả ở chiều ngược lại, toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc cũng bị hủy vì dịch bệnh. Điều này khiến nhiều công ty lữ hành và hàng không có nguy cơ hủy tour và thiệt hại hàng tỷ đồng.

dulich1
Ngành du lịch cần có giải pháp đồng bộ để kích cầu du lịch nội địa. Ảnh Quang Thái/Hà Nội Mới

Trong khi theo thống kê trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm.

Cụ thể, năm 2019 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay là hơn 18 triệu lượt khách và đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách năm 2020.

Bên cạnh đó, các Công ty du lịch cũng đứng trước việc bị các hãng hàng không phạt cọc. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do du khách lo sợ dịch bệnh nên không dám đi tour trong nước và nước ngoài.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh nếu không được kiểm soát thì nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch … sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.

Trước tình hình này, một số chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời có thể xem xét lựa chọn thêm các điểm đến mới, những nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch như: Mỹ, Australia, Canada...

Ngoài ra, cũng cần có giải pháp đồng bộ để kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.

Đồng thời, đầu tư vào các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Ngọc Anh