Nguy cơ biến chứng từ mỹ phẩm mua trên mạng

Nguyễn Diệp Linh
BV Da liễu TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp biến chứng da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được mua bán trên mạng.

Mỗi ngày BV Da liễu TP.HCM tiếp nhận và điều trị khoảng năm trường hợp biến chứng da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Bôi kem “hiệu quả tức thì”, mặt đầy mụn

Mới đây, bà VTNC (46 tuổi, ở TP.HCM) tìm đến BV Da liễu TP.HCM trong tình trạng mặt sưng nề, ngứa và đỏ rát. Bà C cho biết do muốn có làn da “trắng như bông bưởi” nên lên mạng tìm hiểu và đặt mua một hộp mỹ phẩm. Theo quảng cáo, mỹ phẩm này được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên nên rất an toàn cho da, “hiệu quả tức thì, da đẹp cực kỳ”.

Thế nhưng chỉ sau vài ngày sử dụng, mặt bà C bắt đầu có triệu chứng sưng và ngứa ngáy. Lo lắng, bà gọi điện thoại cho người bán thì được giải thích: “Vậy là kem đang phát huy tác dụng. Da bị ngứa là do lúc này lớp da cũ đang bong để thay thế bằng lớp da mới. Cứ yên tâm dùng!”.

Bác sĩ BV Da liễu TP.HCM đang khám và tư vấn cho một nữ bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi. Ảnh: BVCC Bác sĩ BV Da liễu TP.HCM đang khám và tư vấn cho một nữ bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi. Ảnh: BVCC

Tin tưởng, bà C tiếp tục bôi kem thêm một tuần nữa khiến mặt trở nên sưng nề hơn, nhiều nốt sần đỏ, ngứa rát khó chịu... Lần này, bà tỉnh táo hơn nên đã đến cầu cứu bác sĩ (BS) BV Da liễu TP.HCM và được chẩn đoán viêm da nặng.

Trường hợp khác, chị TTMN (20 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu) đến BV Da liễu TP.HCM trong tình trạng da mặt đầy mụn, bong tróc, đỏ rát sau khi dùng một loại mỹ phẩm làm sáng da. Chị N cho biết do da mặt bị sạm nên đã lên mạng tìm thông tin, sau đó đặt mua một loại mỹ phẩm làm sáng da trên mạng kèm lời hứa “đảm bảo có làn da trắng sáng sau vài ngày sử dụng”.

Đầu năm 2023, Sở Y tế TP.HCM ban hành kế hoạch giám sát hậu mại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn TP nhằm tăng cường giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo mỹ phẩm. Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm; phát hiện bất cập trong quản lý nhà nước để kiến nghị, đề ra các giải pháp thích hợp.

Sau 10 ngày tích cực thoa kem như hướng dẫn, da chị chẳng những không trắng sáng mà còn bị nổi mụn, bong tróc.... Đến khám tại BV Da liễu TP.HCM, chị được BS cho biết bị viêm da do dùng mỹ phẩm trôi nổi.

Mỹ phẩm trôi nổi có thể biến đổi gen

ThS-BS Nguyễn Duy Quân, khoa Thẩm mỹ da BV Da liễu TP.HCM, cho biết các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường có chứa corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân…

“Những chất nói trên có tác dụng giúp làn da trắng sáng nhanh. Tuy nhiên, theo thời gian da sẽ bị bào mỏng, bong tróc, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng hoặc rối loạn sắc tố da. Những biến chứng nêu trên khiến việc điều trị khó khăn, lâu dài và khó phục hồi làn da như ban đầu” - ThS-BS Quân nói.

Cũng theo ThS-BS Quân, không ít trường hợp dù đã ngưng sử dụng mỹ phẩm nhưng tổn thương da vẫn còn, gây ngứa, đỏ, nổi mụn, xấu xí… Nhiều người do chịu đựng không nổi lại tiếp tục dùng mỹ phẩm, dẫn đến gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo BS Lê Vi Anh, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da BV ĐH Y Dược TP.HCM, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất gây ung thư như asen, berili và cadmium với hàm lượng cao. “Ban đầu, người sử dụng mỹ phẩm chỉ thấy các triệu chứng dị ứng, nổi đỏ. Sau đó tăng sắc tố, giãn mạch. Sử dụng lâu dài làn da có thể bị tổn hại nặng nề, dẫn đến nguy cơ ung thư da” - BS Vi Anh chia sẻ.

Ngoài ra, tiếp xúc lâu với các hóa chất có hại trong mỹ phẩm khiến da bị khô, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, nổi mụn và sạm theo thời gian. Khi đó, làn da sẽ sớm bị lão hóa.

“Đáng chú ý, kim loại nặng trong mỹ phẩm không rõ nguồn gốc khi vượt quá hàm lượng cho phép có nguy cơ gây biến đổi gen và các tế bào. Từ đó phát triển bệnh tiêu hóa, gan, nội tiết, thần kinh…, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản nếu sử dụng và tích tụ trong thời gian dài” - BS Vi Anh lưu ý.

TP.HCM phạt nhiều cơ sở mỹ phẩm có sai phạm

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công mỹ phẩm của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại quốc tế Lộc Phát (quận 8) do không đảm bảo điều kiện sản xuất mỹ phẩm; nhân viên chiết rót, đóng gói, dán nhãn phụ sản phẩm Jena Derma Micellar Cleansing Water có dấu hiệu giả nguồn gốc, xuất xứ…

Công ty CP Thương mại thiết bị y tế Vĩnh Phúc (quận 12) cũng bị Sở Y tế TP.HCM phạt 70 triệu đồng do sản xuất nước muối Vĩnh Phúc (số lô 010622 275) không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

30 triệu đồng là số tiền mà Sở Y tế TP.HCM phạt Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam (TP Thủ Đức) do kê khai không đúng các nội dung trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Bioderma Crealine H2O Solution Micellaire 500 ml và Bioderma Sebium H2O Purifying Cleansing Micellar Water 500 ml/16.9Fl.Oz.

Theo Pháp luật TP.HCM