Ngày Quốc tế Người di cư 18/12: "Những người có hy vọng, ước mơ và tiềm năng to lớn"

Nguyễn Diệp Linh
Tất cả những người mong muốn di cư đều đang phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn và đóng góp vào sự phát triển của đất nước, trong số họ bao gồm cả những người Việt Nam di cư. Cần tạo cơ hội nhiều hơn để người di cư chia sẻ tiếng nói của họ và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Đây là thông điệp của bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam trong bài viết “Ngày Quốc tế Người di cư: Đã tới lúc kể câu chuyện về hy vọng của việc di cư” nhân Ngày Quốc tế Người di cư (18/12).

a-107095-1671416870.jpg
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam

Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người di cư trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam cho biết mới đây, tổ chức này đã phát động cuộc thi quốc gia “Di cư qua lăng kính của tôi”, trong đó đề nghị người dự thi là công dân Việt Nam định nghĩa di cư bằng từ ngữ và hình ảnh theo ý kiến cá nhân. Kết quả rất đáng ngạc nhiên là mặc dù có xuất thân và kinh nghiệm sống khác nhau, nhưng các bài thi đều không mô tả việc di cư là “buồn” hay “sóng gió” mà là “hy vọng” và “ước mơ”.

a7403099-1671422716.jpg
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số


Trong số những người chiến thắng cuộc thi, bà Park Mihyung cho biết rất ấn tượng với câu chuyện của một người phụ nữ trẻ. Ở tuổi 26, cô từ bỏ công việc ổn định tại Việt Nam và bắt đầu một cuộc hành trình mới. Trong vòng 4 năm, cô đã đến nhiều quốc gia, làm nhiều công việc khác nhau và gặp gỡ với nhiều người. Đôi khi cô thấy rất cô đơn và gặp nhiều trở ngại trên đường đi. Tuy nhiên, cô vẫn muốn “xem nhiều hơn, khám phá nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn. Đó là động lực chính của việc di cư”. Hành trình di cư cũng dạy cô ấy biết trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và tin vào chính mình. Đối với những người di cư và người tị nạn, một khởi đầu bấp bênh vẫn có thể có một kết thúc có hậu.

37407869-1671416817.jpg
 


Theo bà Park Mihyung, danh từ “Người di cư” thường được gắn với hàm ý tiêu cực, đôi khi gần như phủ nhận con người đó. Nhưng điểm cốt lõi của mọi vấn đề đều là con người. Đó là những người có hy vọng, ước mơ và tiềm năng to lớn.

Vì vậy, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung mong muốn mọi người đừng quên những lợi ích to lớn mà di cư đã và đang mang lại cho xã hội. “Và khi được quản lý tốt, nó sẽ luôn là một điều rất tốt. Để đảm bảo điều này, tôi và các nhân viên tại IOM sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội hơn nữa để kể câu chuyện của những người di cư và giúp họ chia sẻ tiếng nói của chính mình. Và chúng tôi mong bạn cũng sẽ kể những câu chuyện về di cư, nhưng tất nhiên là theo cách thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự”, bà Park Mihyung viết.

Trưởng phái đoàn IOM, Bà Park Mihyung, công bố Lê Thảo Hương là người giành giải nhất cuộc thi “Di cư qua lăng kính của tôi”.

a7403015-1671416817.jpg
Lê Thảo Hương, giải nhất cuộc thi “Di cư qua lăng kính của tôi”
a7403233-1671416818.jpg
Ban tổ chức cuộc thi chụp ảnh cùng các thí sinh đoạt giải

Giải nhì của cuộc thi dành cho Trần Thế Khải, một bạn trẻ đến từ Vũng Tàu với bài dự thi về người lao động di cư nữ từ đồng bằng sông Cửu Long lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Giải ba là anh Nguyễn Hữu Thông với bức ảnh ấn tượng về người lao động di cư tại Hà Giang.

Theo Báo cáo Quốc tế về Di cư 2022 của IOM, tính đến năm 2020, hiện đang có 281 triệu lao động di cư trên thế giới, tương đương với 3.6% dân số toàn cầu. Số lượng lao động di cư trên thế giới đã tăng dần trong vòng năm thập kỷ vừa qua. Riêng trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam luôn thuộc 20 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Theo báo cáo chính thức của Cục Lao động ngoài nước năm 2021, Việt Nam hiện đang có 600,000 lao động Việt Nam làm việc tại gần 40 nước trên thế giới, đóng góp khoảng 3-4 tỷ đô la Mỹ kiều hối hàng năm cho Việt Nam.

La Hiếu