“Ngân hàng bò” - Ngân hàng của lòng nhân ái

Nguyễn Thị Hải Hà
Hơn một thập kỷ trước, một ngân hàng “đặc biệt” đã ra đời, ngân hàng không vận hành bằng tiền, nhưng giá trị mà ngân hàng đó mang lại không đơn vị đo lường nào có thể đong đếm được. Từ ngân hàng này, hàng chục nghìn con bò đã được trao tới tay những hoàn cảnh khó khăn, đem đến sinh kế lâu dài cho người dân. Ngân hàng đặc biệt mang tên “Ngân hàng bò” là một trong những dự án được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặc biệt chú trọng phát triển trong những năm qua.

Món quà sinh kế “đặc biệt”

“Ngân hàng bò” là một mô hình đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách tư duy và phát triển dự án. Bắt đầu từ con số không, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trực tiếp tham gia vận động nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Hội quốc gia, các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài... Theo đó, các cấp Hội tại 62 tỉnh thành đã nhanh chóng triển khai dự án từ việc lựa chọn hộ hưởng lợi, ghi chép, theo dõi những con bò từ lúc được trao cho đến lúc chuyển bê con đi hộ nghèo khác. Các cán bộ Chữ thập đỏ địa phương còn là những thầy thuốc thú ý chuyên nghiệp khi cùng đồng hành với những người nghèo trong việc chăm sóc, sinh sản cho tới khi họ đã có kinh nghiệm và có thể tự làm chủ tài sản của mình.

a08846e3529b97c5ce8a-1661657854.jpg
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao bò giống trong dự án "Ngân hàng bò" cho các hộ nghèo thuộc 2 xã biên giới là Thanh Loà và Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn năm 2014.

Mỗi hộ gia đình nghèo được tặng một con bò giống, sau khi bò giống đẻ lứa đầu, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con từ 6 đến 12 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê con cho Hội Chữ thập đỏ để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo khác. Lúc này bò mẹ mới chính thức là tài sản của hộ nghèo đầu tiên. Cứ như vậy, hành trình xoá đói giảm nghèo dần dần thu hẹp theo số lượng những con bò trong dự án được sản sinh ra.

Năm 2010, năm đầu tiên Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện Dự án “Ngân hàng bò” tại 62 huyện nghèo của 14 tỉnh, với mục tiêu giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Sau 10 năm triển khai (từ năm 2010-2020), từ 1.400 con bò được cấp cho 1.400 hộ hưởng lợi tại 14 huyện nghèo đã sản sinh ra 39.675 con bò với giá trị bình quân 11,5 triệu đồng/con bò cho 39.675 hộ hưởng lợi tại 62 tỉnh, thành, trong đó có 62 huyện nghèo, 452 xã biên giới; trị giá trên 456 tỷ đồng, giúp đỡ trên 39.675 hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội thoát nghèo, phát triển sản xuất, bám đất, giữ vững biên cương của Tổ quốc, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai dự án tại các tỉnh thành, nhiều hình thức chuyển đổi từ nuôi bò/trâu sang nuôi dê, gà, lợn, thả cá… được áp dụng để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương và điều kiện phát triển sinh kế của từng đối tượng hưởng lợi. Với mục tiêu cuối cùng là giúp cho đối tượng hưởng lợi xây dựng được mô hình phát triển sinh kế hộ gia đình bền vững.

Niềm vui đến với người nghèo

Đến huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ một trong 62 huyện nghèo của cả nước để nghe người dân nói về “con bò Chữ thập đỏ” mới cảm nhận được phần nào giá trị, ý nghĩa thực sự mà Dự án “Ngân hàng bò” mang lại cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Năm 2010, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được Dự án "Ngân hàng bò" hỗ trợ 100 con bò giống, trị giá 700 triệu đồng cho 100 hộ ở 10 xã của huyện để phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Hà Thị Ngoại, người dân tộc Mường ở khu Lèn, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong 10 hộ đầu tiên may mắn được nhận hỗ trợ từ Dự án “Ngân hàng bò”.

d675c422c15a04045d4b-1661657879.jpg
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ bàn giao bò giông cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Thừ 1, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ

Chị Ngoại tâm sự: Trước kia khổ lắm, ruộng nương chỉ có 2 sào, lúa gạo không đủ ăn nên có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình đủ tiền mua con bò. Muốn làm gì đó nhưng nghèo, không có vốn nên đành chịu. Khi biết tin gia đình được Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ bò, cả nhà tôi ai cũng vui mừng. Con bò đầu tiên sinh sản, chị Ngoạn chuyển lại bê cho Hội Chữ thập đỏ huyện theo đúng cam kết. Được tiếp thêm sức mạnh, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua thêm 1 con bò nữa. Từ con bò cái được cấp ban đầu, giờ trong chuồng nhà chị Ngoại đã có 6 con bò, 1 con trâu và hàng chục con lợn.

Chị Ngoại phấn khởi “khoe”: Cuối năm nay, vợ chồng chị dự định dỡ bỏ ngôi nhà cũ, xây một ngôi nhà kiên cố để mỗi khi mưa bão, gió rét về không phải còn phải lo lắng nữa.

Không chỉ có gia đình chị Ngoại, nhiều hộ gia đình khác cũng có chung niềm vui thoát nghèo từ Dự án “Ngân hàng bò”. Gia đình ông Nguyễn Tất Huân, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Tuy hai vợ chồng ông đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn phải đi làm thuê để nuôi con trai bị bệnh ung thư đường ruột, phải nằm một chỗ.

Năm 2018, gia đình ông Huân được nhận hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Dự án “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ TX. Phú Mỹ. Sau 4 năm nuôi dưỡng, nhờ bò sinh sản, ông Huân đã xuất bán được 3 lứa bê, thu về gần 70 triệu đồng. Nhờ số tiền này, ông Huân có thêm điều kiện mua thuốc cho con và trang trải cuộc sống gia đình. “Tôi biết ơn Hội Chữ thập đỏ lắm, nhờ được hỗ trợ mà gia đình tôi có thêm thu nhập để lo chi phí hằng ngày và tiền thuốc men hàng tháng cho con trai. Tôi luôn cố gắng hết sức để chăm sóc bò thật tốt, để lo cho cuộc sống của gia đình tốt hơn, không phụ tấm lòng của mọi người trao gửi”, ông Huân nói.

Ghi nhận của toàn xã hội

Dự án "Ngân hàng bò" là một Chương trình vận động nội lực với quy mô lớn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được triển khai trên địa bàn rộng (chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới), đối tượng hưởng lợi nhiều, mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Kết quả của dự án đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Đánh giá về dự án này, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đây là một chương trình lớn nhất của Hội Chữ thập đỏ từ trước đến nay, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đối tượng hưởng lợi nhiều, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, được các tổ chức quốc tế và các Hội quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Có thể coi đây là một chương trình hiệu quả nhằm hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Từ những thành công của Dự án “Ngân hàng bò”, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức tập huấn chia sẻ kinh nghiệm với Hội Chữ thập đỏ Lào và hỗ trợ 150.000 USD giúp Hội Chữ thập đỏ Lào triển khai mô hình này.

Dự án "Ngân hàng bò" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng vinh dự được nhận giải thưởng về sáng kiến gây quỹ năm 2014 do mạng lưới xây dựng quỹ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội trao tặng.

Hiện nay, Dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, với hình thức triển khai linh hoạt, sáng tạo phù hợp với xu thế và mong muốn của người hưởng lợi. Nhưng giá trị sinh kế mà dự án mang lại đã góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của dân với Đảng, nâng cao năng lực và hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ góp phần vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo.

hải hà