Nền kinh tế ngầm khiến Hy Lạp thất thoát khoảng 16 tỷ euro mỗi năm

Tạp Chí Nhân Đạo
Giá trị nền kinh tế ngầm của Hy Lạp tương đương 24-25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và khiến nhà nước thất thoát khoảng 16 tỷ euro tiền thuế.

 Nền kinh tế ngầm khiến Hy Lạp thất thoát khoảng 16 tỷ euro mỗi năm

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).
 Nghiên cứu của Đại học Macedonia công bố ngày 6/12, cho biết giá trị nền kinh tế ngầm của Hy Lạp tương đương 24-25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và khiến nhà nước thất thoát khoảng 16 tỷ euro tiền thuế cũng như các khoản đóng góp an sinh xã hội khác mỗi năm.

Trung bình, người Hy Lạp chi tiêu hơn 750 euro mỗi năm cho các sản phẩm và dịch vụ không kê khai nộp thuế. Những người làm nghề tự do có xu hướng chi tiêu nhiều hơn mức này.

Kết quả là dù Hy Lạp đã bị suy thoái kéo dài trong 6 năm qua, giá trị nền kinh tế ngầm của nước này vẫn đứng ở mức khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu nhận thấy tình trạng suy thoái trong nền kinh tế chính thức của Hy Lạp cũng được phản ánh trong nền kinh tế ngầm.

Năm 2010, nền kinh tế ngầm của Hy Lạp đứng ở mức 25,4% GDP (khoảng 56-60 tỷ euro) và 4 năm sau đã giảm xuống còn 23,6%.

Điều đó có nghĩa giá trị kinh tế ngầm của Hy Lạp đã giảm ít nhất 20 tỷ euro kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra ở nước này.

Theo giới chuyên gia, sự sụt giảm của nền kinh tế ngầm tại Hy Lạp là do việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt đang ngày càng trở nên khó khăn hơn ở nước này.

Mặc dù các loại thuế tăng lên, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và một bộ phận đáng kể chuyên gia, bác sỹ tự làm việc ở nhà đã dẫn đến tình trạng trốn thuế tràn lan, nhưng các biện pháp kiểm soát về vốn của Hy Lạp, được áp dụng vào mùa Hè năm 2015, cũng như tình trạng thiếu hụt tiền mặt đã làm giảm các hoạt động trong nền kinh tế ngầm.

Hoạt động trong nền kinh tế ngầm của Hy Lạp chủ yếu là buôn bán, trao đổi bất hợp pháp các loại hàng hóa và dịch vụ hợp pháp, chẳng hạn như các sản phẩm thuốc lá, nhiên liệu, rượu...

Giá trị nền kinh tế ngầm của Hy Lạp là một trong những mức cao nhất ở châu Âu, chỉ sau Bulgaria (31%), Croatia, Romania, Litva và Estonia (28%), Thổ Nhĩ Kỳ (27 %) và Latvia (26%).

Nghiên cứu trên cũng kêu gọi Chính phủ Hy Lạp phải đưa ra những biện pháp tức thời nhằm hạn chế nền kinh tế ngầm.

Theo nghiên cứu này, chính phủ cần phải thực hiện một cơ chế thuế ổn định, tăng cường hoạt động kiểm toán và thanh tra, áp dụng các điều luật xử phạt nghiêm minh hơn đối với những kẻ trốn thuế.

Ngoài ra, chính phủ cũng nên cấm các cá nhân hoặc doanh nghiệp bị buộc tội gian lận thuế tham gia bỏ thầu các hợp đồng và chương trình trợ cấp của nhà nước.