Mỗi ngày mất gần 1 tiếng đồng hồ vì tắc đường

Tạp Chí Nhân Đạo
Theo số liệu từ bản báo cáo mà Uber Việt Nam vừa công bố thì tắc đường và khó khăn về chỗ đậu xe là những vấn đề lớn nhất mà người dân tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM thường gặp phải.
140036
Tắc đường và khó khăn về chỗ đậu xe là những vấn đề lớn nhất mà người dân tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM thường gặp phải.

Trong tháng 7 và 8, Uber Việt Nam đã phối hợp cùng Công ty Nghiên cứu thị trường Audience Project thực hiện một đề án khảo sát ý kiến người dân tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM về việc di chuyển trong thành phố, vấn đề sở hữu và công nghệ chia sẻ phương tiện. Khảo sát được thực hiện với số lượng 1.029 đáp viên tại Hà Nội và 1.009 đáp viên tại TP.HCM có độ tuổi từ 18 đến 65. Theo báo cáo này, trung bình mỗi ngày, người đi ô tô Hà Nội mất 58 phút để vượt qua các điểm tắc đường và 82% phải bỏ ra 30 phút hoặc nhiều hơn. Tình hình ở TP.HCM không khá hơn. 76% tiêu tốn 30 phút mỗi ngày vì tắc đường, thậm chí 13% cho biết họ thường tắc đường mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Thời gian trung bình người đi ô tô TP.HCM tiêu tốn vì tắc đường mỗi ngày là khoảng 51 phút.

Đáng chú ý, Uber cho hay, 49% người sở hữu ô tô cá nhân tại Hà Nội đang cân nhắc việc từ bỏ chiếc xe trong tương lai vì nhiều vấn đề bất cập trong quá trình đi lại. Tại Hà Nội, 52% đáp viên không có ý định mua ô tô riêng trong thời gian sắp tới. Con số tương ứng ở TP.HCM là 48% người cân nhắc việc từ bỏ ô tô cá nhân; 60% đáp viên không sở hữu ô tô đã từng cân nhắc mua một chiếc riêng và 47% đáp viên không có ý định mua ô tô riêng trong thời gian sắp tới.

Chuyện khó tìm chỗ đậu làm không ít người sở hữu ôtô phải đến trễ hoặc bỏ lỡ các sự kiện quan trọng của bản thân. Tại TP.HCM, 65% người đi ôtô được hỏi cho biết đã từng đến trễ hoặc không kịp dự đám cưới vì gặp rắc rối với chỗ đỗ. Ở Hà Nội, 28% đã bị trễ hoặc lỡ một buổi phỏng vấn xin việc cũng vì lý do này. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến suy nghĩ từ bỏ chiếc xe được nêu ra trong khảo sát như: Phí đỗ xe đắt, giá xăng dầu cao, chi phí sở hữu xe đắt, sợ mất xe... Tuy nhiên, nhu cầu mua mới ô tô của người dân tại hai thành phố này vẫn khá lớn. Trong khảo sát chung cả những người đã và chưa có ôtô thì 53% ở TP.HCM và 49% ở Hà Nội có ý định mua xe riêng. Song song đó, người dân hai thành phố cũng có thái độ khá tích cực với các dịch vụ như Uber, Go-Jek hay Grab. Đơn cử, 42% người có ôtô ở TP.HCM đồng ý đây là một phương thức thay thế khả thi và 31% cho rằng nó có thể thay thế ô tô cá nhân hoàn toàn. Ba nguyên nhân chính mà họ đang ủng hộ các dịch vụ này là rẻ hơn taxi, không phải mất thời gian tìm chỗ đỗ và sự linh động trong khi sử dụng.

Tất nhiên, những con số trong bản khảo sát cúa Uber Việt Nam chỉ “mang tính tham khảo”. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông ở đô thị đang trở thành những thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ.

Theo một số liệu vừa được công bố gần đây của Ủy ban ATGTQG, Việt Nam hiện đang có 3,2 triệu ô tô và 49 triệu xe máy đã đăng ký. Tính theo con số sở hữu phương tiện thì cứ 1.000 dân sở hữu 22 ô tô và đối với xe máy là 516 xe. Trong khi đó, mật độ đường hiện tại lại chỉ ở mức 0.3 km/km2 và 1.12km/1000 người, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.

Cũng theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 800.000 ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030, số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu. Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Ngô Hoàng