Không 'hy sinh' công trình phúc lợi để phát triển khu thương mại, nhà ở

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 17/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức Phiên toàn thể Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”.

ndt7759-1655454935659877826247-1655484109.jpg

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Xây dựng; cùng hơn 400 đại biểu trực tiếp và hơn 2.000 đại biểu trực tuyến tại 872 đô thị trong cả nước và một số điểm cầu quốc tế.

Tại diễn đàn, các tham luận và ý kiến của các đại biểu tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hầu hết nội dung tham luận, báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực quản trị đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững và thích ứng tại Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhìn nhận, sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, cả nước có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đều. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn tăng từ 30,5% (năm 2010) lên 40,5% (năm 2021).

Đồng thời, không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại; chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện; hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ; quá trình phát triển đô thị đã hoà nhịp cùng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo Phó thủ tướng, kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12 - 15%, gấp 1,5 - 2 lần so với bình quân chung hàng năm, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hình thành nhiều đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo…

Tuy nhiên đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý; Việc chỉnh trang, cải tạo các độ thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, những định hướng, quan điểm tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển đô thị bền vững, nhằm xây dựng các đô thị ở nước ta tiệm cận các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương.

Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm vừa qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn quốc hiện nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, trong công tác quản lý và quản trị đô thị nói chung.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường; không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.

Ông Thành cho rằng các khu vực phát triển mới là cơ hội để Việt Nam phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh. Từ khâu quy hoạch tới quá trình triển khai xây dựng cần bảo đảm thực hiện thật nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị cũng phải bảo đảm giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo, gia đình chính sách, công nhân. Trong quá trình đó cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, các khu chung cư đã xuống cấp...

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình việc cần đổi mới trong tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hoá và phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam cần nắm bắt được quy luật, đặc thù của đô thị để có thể sáng tạo các giải pháp phù hợp với từng địa phương. Việc cải tạo, tái thiết đô thị cũng cần thực hiện đồng bộ, hài hoà giữa cái cũ và mới, có sự liên kết ngành, vùng và đa chiều giữa các đô thị.

Theo ông, Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Ông lưu ý cần khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh đề cập đến việc phải phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Ngoài ra, Việt Nam cần phát huy, khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển...

PL