Khai mạc Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”

Nguyễn Thị Hải Hà
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027, chiều ngày 29/8, tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô diễn ra khai mạc Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo” và  phiên nội bộ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.

Tham dự buổi lễ có bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Nguyễn Hải Anh - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội; bà Huỳnh Thị Xuân Lam - Phó Chủ tịch Hội; ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội; ông Vũ Thanh Lưu - Phó Chủ tịch Hội, cùng đại diện các bộ ban ngàng và hơn 500 đại biểu tiêu biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

trien-lam-01-1661787674.jpg
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm "Hệ sinh thái nhân đạo"

Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, triển lãm đã mang đến cho tất cả đại biểu thấy được bước tranh toàn cảnh, tổng hòa sinh động các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trên hành trình nhân ái, thông qua các hình ảnh tư liệu ở mỗi thời kỳ, đồng hành với mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước.

Triển lãm gồm 3 không gian chính là khu trưng bày hình ảnh tái hiện chặng đường lịch sử hơn 75 năm qua các kỳ Đại hội của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; những hoạt động tiêu biểu của nhiệm kỳ 2017-2022; những định hướng lớn của Đại hội XI, nhiệm kỳ 2022-2027; Khu trưng bày hiện vật, tài liệu thuộc các lĩnh vực hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu, hiến máu nhân đạo; các ấn phẩm truyền thông, báo chí của Hội; Khu thứ 3 là không gian trình chiếu phim, phóng sự về hoạt động của các cấp Hội.

img-1293-1661780063.JPG

Các đồng chí lãnh đạo thăm quan những hoạt động tiêu biểu của nhiệm kỳ 2017-2022 tại Triển lãm

Bắt đầu từ những "viên gạch" đầu tiên là Hội Hồng thập tự Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt nền móng, sáng lập và làm Chủ tịch danh dự suốt 23 năm (1946-1969) đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội.

Mỗi một giai đoạn, một nhiệm kỳ được tái hiện sâu sắc và rõ nét tại triển lãm. Các đại biểu cùng nhìn lại những hình ảnh đẹp nhất, sâu lắng nhất về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự đồng hành hưởng ứng của nhân dân và những đóng góp thầm lặng, những giá trị nhân đạo cao đẹp mà mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ các thế hệ đã nỗ lực cống hiến cho cộng đồng, vì một xã hội nhân ái và tốt đẹp hơn.

Thông qua triển lãm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam muốn truyền đi thông điệp: Tự hào, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc.

Trong giai đoạn mới, các cấp hội sẽ đổi mới đột phá, tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp những người dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; viết tiếp bài ca truyền thống Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngay sau khai mạc triển lãm, diễn ra phiên nội bộ của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 với các hoạt động: Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình Đại hội, Quy chế Đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X; Bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; diễn đàn “Hệ sinh thái nhân đạo”…

img-1373-1661780143.JPG

Các tỉnh Hội chia sẻ mô hình tiêu biểu của địa phương tại Diễn đàn "Hệ sinh thái nhân đạo".

Diễn đàn “Hệ sinh thái nhân đạo” đã mở ra một khái niệm mới mẻ. Hệ sinh thái Nhân đạo là không gian mở, không có điểm đầu và điểm kết thúc. Hệ sinh thái này thấm nhuần nguyên tắc: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu; là không gian để thúc đẩy thực hiện thành công mục tiêu của Nhiệm kỳ XI, đó là: Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Khi bước vào hệ sinh thái thì hoạt động nhân đạo sẽ được tăng cường tư duy khoa học, đảm bảo những kết quả bền vững hơn. Từ đó, công tác Hội sẽ có sức lan toả mạnh hơn. Cơ sở của cách tiếp cận này không chỉ là tổng kết từ thực tiễn, rút ra lý luận các nội hàm của công tác nhân đạo mà còn dựa trên cơ sở văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam là sự gắn kết cộng đồng, làng xã. Phải làm sao để chuyển hoá hoạt động nhân đạo mang tính kiến tạo, chuyên nghiệp, có tinh thần và cách làm mang tính dịch vụ xã hội hiện đại, liên kết chặt chẽ, lan toả, bền vững. Qua đó, càng thấy được vai trò trung tâm, điều phối của Hội Chữ thập đỏ các cấp có tính khoa học, minh bạch, thuận lợi cho đối tượng cần được đồng hành tiếp cận.

Nho Quế