Indonesia: Siêu núi lửa phun trào, sơ tán khẩn cấp 2.000 người dân

Đặng Thu Hằng
Ngày 4/12, ngọn núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia tiếp tục phun những cột tro bụi cao hơn 1,5 km lên không trung và dòng nham thạch nóng bỏng bắt đầu chảy tràn trên diện rộng buộc 2.000 người dân phải sơ tán khẩn cấp.

Theo Reuters đưa tin, vụ phun trào xảy ra ở phần phía đông của đảo Java, cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 640 km về phía đông. Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Indonesia (PVMBG) đã nâng cấp độ hoạt động của núi lửa từ mức III lên IV, mức cao nhất. Với mức cảnh báo cao hơn, nhà chức trách cảnh báo cư dân không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vòng 8 km xung quanh núi lửa Semeru.

5alrs3bhofnyvj67cg7mrepjoa-1670175432.jpeg
Tro bụi do núi lửa Semeru ở Indonesia phun ra vào ngày 4/12. (Ảnh: Reuters)

Semeru là ngọn núi cao nhất trên đảo Java. Ngọn núi này còn có tên là Mahameru, nghĩa là "núi vĩ đại" trong tiếng Phạn.

"Hầu hết các lối đi bằng đường bộ đã bị đóng cửa từ sáng nay. Bây giờ tro núi lửa đang rơi xuống như mưa và đã che khuất ngọn núi", Reuters dẫn lời ông Bayu Deny Alfianto, một tình nguyện viên địa phương, cho biết.

Theo tuyên bố của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB), núi lửa Semeru bắt đầu phun trào lúc 2 giờ 46 sáng (giờ địa phương). Các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy những đám mây tro xám ở các khu vực gần đó.

rml7ox77wjpznjnn5rvks65rmm-1670175432.jpeg
Chính phủ Indonesia đã phải sơ tán khẩn cấp người dân sống xung quanh ngọn núi lửa. (Ảnh: Reuters)

Vụ phun trào diễn ra sau một loạt trận động đất ở phía tây của đảo Java, trong đó một trận động đất vào tháng trước đã khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Lần gần nhất núi Semeru phun trào là cách đây đúng một năm, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng. Thảm họa khiến toàn bộ đường phố ngập trong bùn và tro, nuốt chửng nhà cửa và xe cộ, với gần 10.000 người phải tìm nơi ẩn náu.

Mức cảnh báo cao thứ II đã được áp dụng với với núi lửa Semeru kể từ lần phun trào lớn trước đó vào tháng 12/2020. Vụ việc khiến hàng ngàn người phải sơ tán và khiến các ngôi làng bị bao phủ.

Indonesia có 142 ngọn núi lửa và đây cũng là quốc gia ghi nhận số người dân sống gần núi lửa nhiều nhất trên thế giới với khoảng 8,6 triệu người trong phạm vi 10km xung quanh một ngọn núi lửa.

Thu Hằng