Hơn 1 tỷ người có nguy cơ mất thính giác vì nghe nhạc quá to

Đặng Thu Hằng
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí BMJ Global Health mới đây cho thấy, khoảng 1 tỷ người trên thế giới có thể mất thính lực do thói quen nghe nhạc quá to.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng hơn 430 triệu người trên toàn thế giới bị mất thính lực ở các mức độ khác nhau. Cơ quan này cũng cảnh báo nếu chính phủ các nước không ưu tiên phòng ngừa mất thính lực cho người dân, thì tỉ lệ mắc bệnh có thể tăng gấp đôi trong tương lai.

Còn theo Lauren Dillard, cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới, tác giả chính của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí BMJ Global Health cho biết, “ước tính rằng 670 triệu đến 1,35 tỷ người trong độ tuổi 12-34 trên toàn thế giới có khả năng đang có thói quen nghe không an toàn” và do đó có nguy cơ bị mất thính lực.

Dillard cho biết, tiếp xúc với âm thanh ở mức âm lượng quá cao có thể làm mệt mỏi các tế bào cảm nhận âm thanh và cấu trúc trong tai. Nếu điều đó diễn ra quá lâu, những cơ quan này có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến mất thính lực, ù tai hoặc cả hai.

Để hiểu rõ hơn về thói quen nghe nhạc của những người trẻ tuổi, các nhà nghiên cứu đã đào sâu vào cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ 33 nghiên cứu toàn cầu với hơn 19.000 người tham gia (thuộc độ tuổi từ 12-34 tuổi).

tai-nghe-re-tien-co-kha-nang-lon-hon-gay-ton-thuong-toi-thinh-luc-1668622805.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Dillard cho biết, dù nghe trên thiết bị cá nhân hay tại các sự kiện giải trí, nếu tai bị ù thì đó là dấu hiệu cho thấy nhạc đang quá to và có thể ảnh hưởng đến thính giác.

Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn chặn các ảnh hưởng xấu trước khi nó thực sự tác động đến thính giác. Dillard cho biết một số thiết bị cho phép người ta theo dõi mức độ nghe của họ trong phần cài đặt của thiết bị, thậm chí sẽ cảnh báo bạn khi bạn nghe quá to trong một thời gian dài. “Nếu thiết bị của bạn cho biết bạn đang nghe ở mức không an toàn, hãy giảm âm lượng và nghe nhạc trong khoảng thời gian ngắn hơn”, Dillard nói thêm.

Nghiên cứu không kết luận chắc chắn loại tai nghe nào là an toàn nhất, tuy nhiên, Dillard đưa ra lời khuyên là nên sử dụng loại tai nghe giảm tiếng ồn xung quanh, điều này có thể giúp giữ âm lượng ở mức thấp hơn vì không cần phải át tiếng ồn xung quanh mình.

Các trường hợp tiếp xúc với tiếng ồn không an toàn (lặp đi lặp lại) có thể gây ra tổn thương sinh lý cho hệ thống thính giác, biểu hiện dưới dạng ù tai thoáng qua hoặc vĩnh viễn.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy việc mất thính lực cũng có thể gây ra các thiệt hại kinh tế đáng kể. WHO ước tính những thiệt hại đó ở mức khoảng 1.000 tỉ USD hàng năm.

Mặc dù mức độ tiếp xúc với tiếng ồn cho phép đối với người lớn là 80 dB và 75 dB đối với trẻ em, nhưng nghiên cứu cho thấy người trẻ thường thiết lập âm lượng lên đến 105 dB. Trong khi đó, mức độ tiếng ồn ở các địa điểm và câu lạc bộ âm nhạc có thể lên tới 112 dB.

Swanepoel, đồng thời là Tổng biên tập của Tạp chí Thính học Quốc tế, cho biết: “Âm nhạc là một món quà mà bạn có thể thưởng thức cả đời. Thông điệp là hãy thưởng thức âm nhạc của bạn một cách an toàn”.

T.H.