Homestay phải có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Với kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 1/5, nhiều người đã lựa chọn các khu nghỉ dưỡng, “homestay” tại ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận để nghỉ dưỡng.

“Homestay” là sản phẩm du lịch

Vài năm trở lại đây, dịch vụ du lịch “Homestay” đã trở nên khá quen thuộc đối với khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ. 

Chị Nguyễn Huyền Chi (36 tuổi, ở tổ 45 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần có kế hoạch đi du lịch cùng gia đình và bạn bè, chị thường lên mạng tìm kiếm “Homestay” để thuê phòng cho mọi người. Thông thường, chị hay xem hình ảnh và các review (phản hồi) về chất lượng phòng cũng như khung cảnh xung quanh của “Homestay”.

nhà sàn tổng quát
Nhiều nhóm bạn lựa chọn "homestay" theo mô hình nhà sàn để nghĩ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Thực tế, chỉ cần tìm kiếm cụm từ “Homestay” trên google ở Việt Nam, chúng ta sẽ có hàng triệu kết quả với đủ loại phòng có chất lượng và giá cả khác nhau cùng với hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt bình luận và đánh giá.

Tuy nhiên để tìm được “Homestay” đúng nghĩa thì lại không hề đơn giản bởi phần lớn loại hình lưu trú này hiện đang mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết và giao thoa văn hóa giữa du khách và các thành viên trong gia đình có dịch vụ “Homestay”. 

nhà gỗ 2 giường
"Homestay" kiểu nhà gỗ cũng là một sự chọn của nhiều du khách. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nói cách khác, “Homestay” là loại hình du lịch mà khách sẽ được ở chung, ăn chung cùng với các thành viên trong gia đình người dân bản địa, chứ không chỉ đơn thuần là phòng ở.

 “Homestay” là gì?

Trong tiếng Anh, chữ “Home” trong “Homestay” có nghĩa là ngôi nhà nhưng nói về nơi có gia đình sinh sống, có sự gắn kết giữa các thành viên trong đó. 

Hay nói cách khác, phải có sự sự gắn kết và giao thoa văn hóa giữa du khách và các thành viên trong gia đình cung cấp dịch vụ “Homestay”. Du khách không được tách biệt, phải cảm nhận được mình là một phần (cùng ăn, cùng ở, cùng làm…) trong ngôi nhà đó.

Khi sử dụng dịch vụ “Homestay”, khách du lịch sẽ được hoạt động tập thể cùng gia đình để trải nghiệm các hoạt động cũng như tìm hiểu về văn hóa, con người tại vùng đất đó.

Cụ thể, nếu người dân khu vực đó làm nghề chài lưới thì khi du khách đến ở cũng sẽ được lênh đênh trên thuyền để đi bắt cá, được giới thiệu về truyền thống của nghề cũng như những nét văn hóa khác của địa phương. Khi trở về nhà, du khách sẽ cùng người dân làm các công việc gia đình như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm, nghỉ ngơi...

Thậm chí, du khách cũng có thể cùng người dân mang cá đánh bắt được ra chợ để bán. Người dân cũng có thể dẫn du khách tham gia các lễ hội tại địa phương, làng xóm như đám cưới, hiếu hỷ, tiệc tùng... nếu đúng dịp.

Đây mới chính là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, giúp “Homestay” có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ.

Khu Lễ tân.1
Nhiều địa chỉ "homestay" có thiết kế đẹp, lãng mãn, phù hợp với sở thích check in của giới trẻ. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Quản lý để tránh hệ lụy

Khi nhắc đến “Homestay”, không ít du khách chỉ coi đó là một dịch vụ lưu trú đơn thuần, là nơi họ có thể “tá túc” trong thời gian thăm quan địa phương. Việc du khách coi như vậy tại thời điểm này cũng không sai bởi các “Homestay” hiện nay đang bị chệch hướng, biến tướng thành các nhà trọ, nhà nghỉ... cung cấp phòng giá rẻ, không hề có “Homestay” cho du khách trải nghiệm.

Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách cũng khiến “Homestay” tại Việt Nam gặp khó.

V3.5
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, hầu hết các "homestay" tại ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đều kín phòng. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Cụ thể, hiện nay “Homestay” chưa bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm... và mỗi hộ gia đình chính là một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch.

Khách phải cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Du lịch (sửa đổi 2017) thì “Homestay” là loại hình nhà ở, có phòng cho khách du lịch thuê, được bố trí trang thiết bị, tiện nghi. Trong đó, có yếu tố quan trọng là khách phải cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.

Để đi vào hoạt động, các chủ cơ sở cũng phải tuân thủ các điều kiện theo quy định chung về kinh doanh lưu trú du lịch, gồm phải đăng ký kinh doanh, đáp ứng về điều kiện an ninh - trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó, loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phải đáp ứng các điều kiện như có nước sạch, có khu vực sinh hoạt chung, có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh, có chỗ ngủ… và chủ nhà phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch. 

Do đó, nó đang hoạt động theo kiểu tự phát là chính, chưa có sự quản lý tập trung, thiếu sự gắn kết cộng đồng, giao lưu văn hóa cũng như không có trải nghiệm ẩm thực, …. gắn liền với cuộc sống hàng ngày dẫn đến những sản phẩm du lịch cộng đồng dần biến mất tính chiều sâu.

Đó là chưa kể đến nhiều hệ lụy khác kéo theo, như việc không kiểm soát được du khách, với các hoạt động như cờ bạc, rượu chè, sử dụng ma túy hay chất kích thích các loại.

Hay việc kinh doanh tự phát sẽ dẫn đến tình trạng không hề đăng ký tạm trú, tạm vắng cho khách, dẫn tới rất nhiều rắc rối như mất tài sản, đồ đạc cá nhân,.…

Bên cạnh đó, tình trạng phát triển tự phát dịch vụ “Homestay” còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho xã hội, như việc trốn thuế, hiện tượng chặt chém về giá phòng, ăn uống… Một số cơ sở kiểu này còn kết nối với các “cò đặc sản” nhằm móc túi khách du lịch.

Điểm đáng chú ý tại các “Homestay” đúng nghĩa, là phải có kiến trúc nhà đặc trưng nông thôn, có nhà vườn, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống, có không gian để trình diễn các môn nghệ thuật của địa phương và tổ chức cho khách tham gia các hoạt động của địa phương và cộng đồng…

Nguyễn Tuấn