Thí điểm hỗ trợ cho ngư dân nghèo, khó khăn tại 14 tỉnh miền Trung

Nguyễn Thị Hương
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo Quốc gia năm 2022, ngày 12/7/2022 tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”.

Tham dự Hội nghị có ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung tá Nguyễn Xuân Bình - Trợ lý Phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ông Nghiêm Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo truyền thông Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Ông Đào Văn Minh - chuyên viên Cục quản lý Thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên tai; Ông Đoàn Mạnh Hiếu Phó trưởng phòng Chỉ huy nghiệp vụ Cục Kiểm ngư và lãnh đạo ban Công tác Xã hội - Quản lý Thiên tai, Ban Chăm sóc sức khoẻ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

img-1665-1657599230.jpg
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” giai đoạn đầu sẽ thí điểm 14 tỉnh miền Trung cấp áo phao của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và các đơn vị đồng hành cùng chương trình.

Ông Hùng cho biết, chương trình sẽ hỗ trợ trên thuyền và hỗ trợ trên đất liền. Cụ thể, hỗ trợ trên thuyền gồm: Áo phao cứu sinh trị giá 1.500.000 đồng/1 bộ; trang bị túi sơ cứu, trao tặng cờ Tổ quốc và hỗ trợ kỹ năng sống sót trên biển, pháp luật về biển đảo cho ngư dân. Hỗ trợ trên đất liền gồm: Chỗ ở cho ngư dân nghèo và hỗ trợ các vấn đề sinh kế bền vững.

Tại Hội nghị, ông Đoàn Mạnh Hiếu - Phó Trưởng phòng Chỉ huy nghiệp vụ Cục Kiểm ngư cho rằng: Mục tiêu cụ thể của Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” thấy rất tốt cho ngư dân dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay xảy ra tình trạng ngư dân trên tàu đi biển chỉ có 2,3 người biết về nghề, còn lại là không có kiến thức, cho nên cần hỗ trợ kiến thức cho ngư dân.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả, chương trình cần khảo sát phát tờ rơi, treo áp phích trên thuyền cho người lao động trên tàu cá đọc được, thấy được, để nhắm đúng đối tượng, mục tiêu mình cần đạt tới, ông Hiếu nói.

Là một trong những lực lượng nòng cốt, nắm rõ thực trạng của ngư dân, Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đưa ra ý kiến tại Hội nghị: Những năm qua Đảng, Nhà nước và các địa phương luôn tập trung xây dựng bền vững ngành kinh tế biển. Đối với Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Hàng năm rất nhiều tàu thuyền, ngư dân bị tai nạn trên biển, nhiều gia đình ngư dân khó khăn, thiệt hại về người và của nên chúng tôi mong chương trình này được triển khai sớm để hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên, do đặc thù nước biển mạnh, sóng biển to cho nên chương trình cần nghiên cứu thêm chất lượng cờ Tổ quốc để tăng độ bền hơn. Ngoài ra, túi sơ cấp khi đi biển nên đóng thành hộp kiên cố để trên tàu, tránh việc khi cần ngư dân tìm không thấy. Đặc biệt, các hoạt động bổ trợ nên đưa thêm đoàn thanh niên để tham gia trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn…

img-1696-1657599335.jpg
Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (bên trái) cho rằng cần sớm triển khai chương trình để hỗ trợ cho bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn

Để chương trình đạt hiệu quả tốt nhất, tại Hội nghị, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đưa ra một số đề nghị với các đơn vị phối hợp, cụ thể:

Đề nghị Tổng Cục phòng chống thiên tai và Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp:

- Cung cấp các thông tin cảnh báo về mưa, bão cho ngư dân, tàu, thuyền đánh cá để đảm bảo an toàn trong mùa thiên tai.

- Hỗ trợ cung cấp các thông tin liên quan đến mô hình nhà ở, chỗ ở an toàn cho ngư dân khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.

- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp lồng ghép thực hiện các hoạt động của chương trình với tổ chức truyền thông về phòng, tránh bão, rủi ro thiên tai trên biển cho các tàu, thuyền.

- Phối hợp tham gia các hoạt động khác của chương trình.

Đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam:

- Chỉ đạo hệ thống Bưu điện các cấp miễn/giảm phí dịch vụ khi phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương trong tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà, chỗ ở cho người hưởng lợi.

- Phối hợp tham gia các hoạt động khác của chương trình.

Đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng:

- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp rà soát các thông tin khảo sát liên quan đến ngư dân; lựa chọn hộ hưởng lợi chương trình đúng tiêu chí.

- Tập huấn cung cấp kiến thức cho các ngư dân về luật biển, các quy định pháp luật liên quan đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác thủy sản.

- Phối hợp tham gia các hoạt động trao tặng hỗ trợ cho ngư dân, hoạt động giám sát, truyền thông về chương trình.

Đề nghị Cục Kiểm ngư:

- Chỉ đạo hệ thống tại các địa phương phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp khảo sát, rà soát số lượng ngư dân, tàu, thuyền đánh cá tại địa phương; lựa chọn đối tượng hưởng lợi đúng tiêu chí chương trình.

- Phối hợp đánh giá nhu cầu hỗ trợ của ngư dân về sinh kế, nhà, chỗ ở an toàn.

- Phối hợp tham gia các hoạt động trao tặng hỗ trợ cho ngư dân, hoạt động giám sát, truyền thông về chương trình.

Bùi Tuấn