Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, từ thiện

Nguyễn Hồng Hạnh
Thời gian qua, vị thế, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ từng bước được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động Chữ thập đỏ trong nước và yêu cầu của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tạp chí Nhân đạo xin giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Lam - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
o-lam-1661318270.jpg
Ông Nguyễn Lam - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Chỉ thị số 43-CT/TW), vừa qua, Ban Dân vận Trung ương - Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW cùng với Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số ban, bộ, ngành Trung ương phối hợp hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai tổng kết; tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện tại một số tỉnh, thành phố.

Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Dân vận Trung ương nhận thấy: Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư ban hành đã tạo sự chuyển biến quan trọng về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; vị thế, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ từng bước được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động Chữ thập đỏ trong nước và yêu cầu của Phong trào Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và nhiều văn bản pháp luật liên quan đã từng bước đi vào cuộc sống. Tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, số lượng, chất lượng tổ chức hội được nâng lên rõ rệt. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về cơ sở vật chất được quan tâm. Các bộ, ngành, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tích cực phối hợp, hỗ trợ và ủng hộ Hội Chữ thập đỏ. Hoạt động hợp tác quốc tế của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng mở rộng, thực chất, hiệu quả, tích cực đối với đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng.

Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ của công tác Chữ thập đỏ, an sinh xã hội, hoạt động nhân đạo, từ thiện sẽ tiếp tục gia tăng, điều đó đặt ra cho hệ thống chính sách, pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ cần tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện để thể chế đầy đủ đường lối, quan điểm của Đảng về hoạt động Chữ thập đỏ, nhân đạo, từ thiện theo hướng tạo cơ hội để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tích cực đóng góp và khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội; tham gia tích cực giải quyết các vấn đề nhân đạo toàn cầu.

Để phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, từ thiện và phong trào chữ thập đỏ hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần quan tâm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác nhân đạo và vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của Hội và công tác nhân đạo trong tình hình mới. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng và hội chữ thập đỏ các cấp tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW, Luật Hoạt động chữ thập đỏ và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác chữ thập đỏ và vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội tại địa phương, đơn vị là nhiệm vụ chính trị; phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ hiện nay.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo. Nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Làm tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, từ thiện; công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo, từ thiện gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Quan tâm bố trí nguồn lực và điều kiện để bảo đảm hoạt động của các cấp Hội; tham gia thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển trong tình hình mới.

3. Hội Chữ thập đỏ các cấp tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động tham mưu và tổ chức các hoạt động; khẳng định vai trò nòng cốt, đầu mối, dẫn dắt điều phối về công tác nhân đạo. Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh, phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Phát huy vai trò các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích, tình nguyện trong việc vận động nhân dân tham gia các hoạt động do Hội phát động, tổ chức. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, từ thiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

4. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ, thu hút sự tham gia của toàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động nhân đạo; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhân đạo, bảo đảm tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt vai trò nòng cốt, cầu nối điều phối các hoạt động nhân đạo; góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động; gắn các hoạt động nhân đạo, tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Lam - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương