Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: "Tết Nhân ái”, lan tỏa yêu thương

Nguyễn Diệp Linh
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động hơn 600 tỷ đồng.

Còn ít ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng “mùa xuân” dường như đã ở bên thềm nhà của nhiều gia đình. Đó là không khí và niềm vui đến từ sự chăm lo của các cấp, các ngành dành cho những gia đình, cá nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trao đổi với phóng viên VOV2, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, đến nay, Hội đã trao tặng hàng trăm nghìn suất quà. Hội cũng đặt quyết tâm tết này “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phóng viên: Thưa bà! Tết Nguyên đán Quý Mão đã rất cận kề. Là đơn vị đi đầu trong công tác từ thiện, nhân đạo, đến thời điểm này Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì (kết quả như thế nào) để góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn?

Bà Hòa: Cả nước hiện có khoảng 10 triệu hộ nghèo, cận nghèo và những đối tượng khó khăn cần được trợ giúp. Hội Chữ thập đỏ đặt ra mục tiêu hỗ trợ 1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà trị giá từ 500 ngàn đồng, ước tính tổng giá trị trên 600 tỷ đồng.

Năm nay với tinh thần tết đến sớm nên chúng tôi cũng chuẩn bị ngay từ sớm. Từ tháng 11/2022, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến tất cả các tỉnh, thành Hội. Chúng tôi triển khai phong trào “Tết Nhân ái”. Đây là cái tên thay cho tên gọi trong suốt 23 năm qua là “Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Với việc ban hành kế hoạch từ sớm xuống các tỉnh, thành Hội, đồng thời Chữ thập đỏ gửi văn bản đến các tỉnh, thành Ủy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh để chỉ đạo và phố hợp chỉ đạo hoạt động này. Chúng tôi chọn 10 tỉnh, thành làm điểm tổ chức “Tết Nhân ái” và khuyến khích các địa phương còn lại tổ chức phong trào này. Đến giờ này, còn vài ngày nữa mới đến Tết nhưng không khí Tết Nhân ái rất rộn ràng ở khắp các vùng miền với quy mô khác nhau. Nơi nào cũng có những hình thức thiết thực để hỗ trợ cho người nghèo. Có thể nói sự chuẩn bị và hỗ trợ hết sức chu đáo, thiết thực, đảm bảo những người nghèo sẽ có một cái tết đủ đầy. Chỉ tiêu chúng tôi đặt ra 1 triệu suất quà chắc chắn sẽ đạt và vượt.

Phóng viên: Trước đây, tại một số nơi từng xảy ra tình trạng những món quà tết khi nhận về người dân không dùng đến. Để món quà Tết năm nay thực sự thiết thực và ý nghĩa, Hội Chữ thập đỏ tặng gì cho bà con?

Bà Hòa: Một điều rất vui là năm nay, Chữ Thập đỏ thực hiện phương châm tặng quà mà người dân thích và cần. Vì thế, chúng tôi chỉ đạo các tỉnh, thành Hội làm sao mời gọi các đơn vị cung cấp hàng đến và tổ chức các “gian hàng 0 đồng” theo mức giá mà chúng tôi hỗ trợ cho người dân một suất quà tết khoảng 500 ngàn đồng. Những gian hàng đó sẽ phục vụ bà con rất nhiều mặt hàng mà bà con đến đó sẽ chọn những thứ mình cần, phù hợp với nhu cầu của gia đình. Chính vì thế, những món quà của ngày hôm nay khác hẳn với những món quà của những năm trước. Hơn nữa, không chỉ có gói gọn trong món quà trị giá 500 ngàn, mà còn hơn thế. Bởi lẽ, ở nhiều địa phương, Hội Chữ thập đỏ vận động các tổ chức, các cá nhân, thậm chí cả cấp ủy, chính quyền cùng có những gian hàng hỗ trợ. Khi người dân nhận xong suất quà mà họ tự chọn từ gian hàng của Hội Chữ thập đỏ thì họ đến các gian hàng khác, họ được chọn thêm những món quà mà các tổ chức, cá nhân khác tặng. Vì thế, túi quà khi họ ra về thường có trị giá hơn 500 ngàn đồng. Tôi lấy ví dụ, ở Hà Nội, có nơi khi người nghèo đến nhận, món quà trị giá lên 1,5 triệu đồng; Vĩnh Phúc, có nơi món quà tết lên tới hơn 2 triệu,…

Phóng viên: Năm nào cũng vậy, việc chăm lo tết cho người nghèo luôn thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Để việc trao tặng không bị trùng lặp, mà đến “đúng người, đúng đối tượng và đúng thời điểm”, Hội tiến hành lựa chọn và trao tặng như thế nào, thưa bà?

Bà Hòa: Chúng tôi có văn bản gửi cho cấp ủy và chính quyền các địa phương để phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ phối hợp với ngành các cấp để lựa chọn đối tượng. Vì thế sẽ không xảy ra tình trạng chống chéo, chồng lấn trong đối tượng hưởng lợi, đảm bảo mỗi người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được một suất quà tết của Hội Chữ Thập đỏ hoặc các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, ban ngành đoàn thể. Chính vì sự điều phối trong năm nay còn hết sức minh bạch. Ví dụ như ở Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên của thành phố để chỉ đạo làm sao lựa chọn đối tượng nhận quà.

Phóng viên: Không chỉ no đủ, làm sao để mỗi người đều có một cái tết đầm ấm cũng là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay. Hội quan tâm và sẽ có hoạt động gì để chăm lo về đời sống tinh thần cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong những ngày Tết sắp tới, thưa bà?

Bà Hòa: Ngoài vật chất, chúng tôi cũng hỗ trợ về tinh thần cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hội Chữ thập đỏ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian gắn với truyền thống của dân tộc. Cùng với đó là các hoạt động cắt tóc, khám bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí, chụp ảnh và tặng ảnh cho người khó. Một số nơi, Chữ Thập đỏ còn tổ chức các bữa cơm Tết cho người nghèo. Chúng tôi cũng mời những “ông đồ” để tặng chữ cho người nghèo khi họ đến với các gian hàng “Tết Nhân ái” của Hội Chữ thập đỏ. Vì thế, người nghèo sẽ không chỉ có cái tết no đủ mà còn rất đầm ấm và vui vẻ.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Theo VOV2