Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên: Góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Nhiệm kỳ qua, tổng giá trị hoạt động công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2017-2022 đạt 152,5 tỷ đồng, trợ giúp 432.038 lượt người đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chăm lo ổn định cuộc sống của người dân.
hung-yen-1-1653005617.jpg
Phong trào HNTN do Hội CTĐ phát động nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.

Để làm được điều đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh không ngừng phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động của Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả, nắm chắc địa chỉ và nhu cầu của các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước gắn công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, hệ thống tổ chức Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên tiếp tục được duy trì ở cả 3 cấp (cấp tỉnh, huyện và cơ sở) với 209 đầu mối tổ chức (trong đó 01 tổ chức Hội cấp tỉnh; 10 tổ chức Hội cấp huyện, thị, thành phố; 198 tổ chức Hội cơ sở tại 161 xã, phường, thị trấn và 37 cơ quan, trường học, doanh nghiệp).

Công tác xã hội nhân đạo được triển khai sâu rộng, nhiều đổi mới, sáng tạo, có tính lan tỏa và thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm tham gia. Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội trong nhiệm kỳ đạt 90 tỷ 705 triệu đồng; trợ giúp cho 164.442 lượt người (gấp 1,7 lần tổng giá trị và gấp 1,4 lần số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ trước). Trong đó phải kể đến Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” được triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp Hội. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ 95.833 lượt người nghèo và nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá 45 tỷ 705 triệu đồng .

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được đẩy mạnh. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai Đề án INHANĐAO trong đó tập trung xây dựng “Hệ thống nhân đạo điện tử” nhằm tạo phương thức kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ với các địa chỉ nhân đạo thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã khảo sát, lập hồ sơ những người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp thường xuyên 11.558 đối tượng, trị giá trên 11 tỷ đồng.

Hoạt động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và chăm sóc, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) triển khai đạt kết quả cao. Trong nhiệm kỳ toàn tỉnh vận động quyên góp được trên 30 tỷ đồng ( tăng 10 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước) hỗ trợ 30.441 lượt nạn nhân, gia đình NNCĐDC thông qua các hình thức như: xây sửa nhà, cấp giống vốn sản xuất, tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí kết hợp với tặng quà nhân Ngày da cam Việt Nam 10/8, Tháng hành động vì NNCĐDC và dịp Tết Nguyên đán.

Từ năm 2018 đến nay, định kỳ tháng 5 hàng năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai thực hiện Tháng Nhân đạo đến các cấp Hội và đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu: Kêu gọi toàn xã hội chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, Tháng nhân đạo đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các tổ chức, cá nhân và nhân dân. Tổng giá trị vận động Tháng Nhân đạo đạt gần 8 tỷ đồng; trợ giúp 26.610 lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa tiếp tục được chú trọng. Hàng năm các cấp Hội Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí, hàng hóa và nhân lực để tham gia ứng phó, cứu trợ kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội trong nhiệm kỳ đạt 13 tỷ đồng, trợ giúp cho 25.872 lượt người khó khăn (tăng gấp 5 lần tổng giá trị và gấp 10 lần số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ trước).

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh có sự chuyển biến rõ rệt, thiết thực, hiệu quả. Tổng giá trị hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong nhiệm kỳ đạt gần 17,251 tỷ đồng, hỗ trợ cho 44.034 lượt người. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô tạng và bộ phận cơ thể người tiếp tục được triển khai sâu rộng, đáp ứng nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội đạt 9,588 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Hội Chữ thập đỏ có nguồn lực dồi dào bền vững, chủ động trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp và xây dựng các mô hình vận động xây dựng nguồn lực của Hội như: Đặt hòm quỹ nhân đạo, nuôi lợn tiết kiệm, tổ chức sự kiện gây quỹ và tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tổng giá trị vận động nguồn lực từ các phong trào, chương trình, dự án của các cấp Hội trong 5 năm đạt 8 tỷ đồng. Số dư quỹ Hội hiện nay đạt từ 3 - 5 triệu đồng ở cấp cơ sở, 50 triệu đồng ở cấp huyện, 500 triệu đồng ở cấp tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, cụ thể: Chính phủ tặng Cờ xuất sắc cho 01 tập thể; tặng Bằng khen cho 02 cá nhân; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng cờ xuất sắc 3 năm liên tục cho 1 tập thể cấp tỉnh; Cờ xuất sắc 5 năm liên tục cho 5 tập thể cấp huyện 238 bằng khen và 370 kỷ niệm chương; Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 01 cờ thi đua xuất sắc cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh và bằng khen cho 81 tập thể; 62 cá nhân. Bên cạnh đó có 536 tập thể và 1.017 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác Hội được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tôn vinh, khen thưởng.

Mai Phương