Học Bác trao lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Lòng nhân ái, tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Noi gương Bác, thời gian qua, bên cạnh công việc, nhiệm vụ chuyên môn, nhiều cá nhân, tổ chức đã tích cực tham gia nhiều hoạt động thiết thực hướng về người dân có hoàn cảnh khó khăn, vì cộng đồng. Từ đó, lan tỏa tình yêu thương và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

images2453932-t8-1-1652887455.jpg

Người bệnh và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhóm từ thiện của anh Lê Quang Minh tặng cháo, sữa, bánh. Ảnh: Hồ Thảo

Lan tỏa yêu thương

Vợ chồng anh Lê Quang Minh (ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) đều làm công nhân, điều kiện kinh tế chỉ ở mức đủ ăn, đủ mặc. “Nếu đợi đến khi mình khá mới giúp người thì không biết đến bao giờ. Xung quanh mình lại còn rất nhiều người khó khăn, thiếu thốn hơn nên trong khả năng của mình, giúp đỡ, sẻ chia được gì tôi đều cố gắng hết sức” - anh Minh chia sẻ.

Chính bằng tấm lòng nhân ái ấy, nhiều năm qua, anh Minh đã tham gia tích cực vào hoạt động của các hội nhóm từ thiện, nhân đạo trong và ngoài huyện. Từ đó, anh cùng các thành viên trong các nhóm đã thường xuyên đóng góp và vận động đóng góp tiền cùng các phần quà ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi.

Đơn cử như trong thời gian gần đây, anh và các thành viên trong nhóm đã vận động trao tặng gần 300 suất quà với số tiền gần 100 triệu đồng để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; vận động sửa chữa 3 căn nhà tình thương cho các hộ khó khăn, neo đơn bệnh tật; vận động hỗ trợ cho các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Anh Minh cho hay, hiểu rõ ý nghĩa của chương trình hiến máu cứu người, anh luôn tích cực tham gia và vận động bạn bè, đồng nghiệp cùng nhau tham gia. Đến nay, riêng bản thân anh đã có 12 lần hiến máu. Đặc biệt, hằng tuần, cứ đều đặn vào ngày thứ ba và thứ năm, anh cùng các thành viên trong nhóm Cháo từ thiện Đồng Tâm vận động và nấu trung bình 200 suất cháo mang đến trao tặng cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Nhơn Trạch và những hoàn cảnh khó khăn khác.

Cũng học Bác ở tấm lòng nhân ái, song hành với việc nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Trân Anh (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, đồng hành với địa phương.

Ông Hiếu đã ủng hộ 150 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của huyện, xã. Đặc biệt, ông còn sáng lập mô hình Siêu thị 0 đồng tại giáo xứ Đức Long. Hằng ngày, Siêu thị 0 đồng đã vận chuyển 2-3 tấn rau củ quả cho hơn 1,7 ngàn hộ dân trên địa bàn. Nhờ đó, đã có hàng chục tấn gạo, thịt heo, hàng chục ngàn quả trứng gà cùng hàng ngàn lít nước mắm, dầu ăn, nước tương và các loại gia vị khác từ Siêu thị 0 đồng đến với các hộ dân trong giáo xứ trong suốt thời điểm khó khăn nhất bởi dịch bệnh.

Hiện công ty của ông Hiếu đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động ở địa phương với mức thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, ông tiếp tục ủng hộ kinh phí cho các phong trào do địa phương phát động.

Vì những điều tốt đẹp

Anh Nguyễn Văn Vọng, quê tỉnh Bạc Liêu, hiện là sinh viên năm 3 Trường đại học Y dược TP.HCM. Anh Vọng cùng mẹ và em gái (hiện là sinh viên Trường cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) thuê trọ ở xã Phú Đông (H.Nhơn Trạch). Anh Vọng chia sẻ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y như từ mẫu”, người thầy thuốc phải có lòng nhân ái yêu thương con người. Muốn làm tốt công việc thì bản thân người thầy thuốc phải luôn luôn rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, hết lòng hết sức tận tụy phục vụ người bệnh, nhân dân.

Chính vì lẽ đó, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, là một thầy thuốc tương lai, anh Vọng đã gọi điện cho cán bộ UBND xã Phú Đông nơi anh tạm trú để đăng ký tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch. Còn em gái anh Vọng cũng khăn gói xung phong vào hỗ trợ tại các khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Đó là thời gian mà anh Vọng cùng em gái đối mặt với rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của chính mình.

“Nhiều tháng trực chiến đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm với nghề Y. Vui có, buồn có, thậm chí áp lực căng thẳng rất lớn từ chính người dân, người bệnh. Nhưng từ đây, tôi lại càng thấm thía giá trị của câu nói “Lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ đã dạy. Tôi học được cách sẻ chia, cảm thông; cách ứng xử chuẩn mực đối với người bệnh; cách xử lý các tình huống sơ cấp cứu sao cho kịp thời, hiệu quả để đảm bảo tính mạng, sức khỏe nhân dân ở mức cao nhất… Từ đó, để rèn luyện trở thành một bác sĩ có y đức, chuyên môn vẹn tròn trong tương lai” - anh Vọng bày tỏ.

Cũng trong năm 2021, khi dịch bệnh mới bùng phát, em Lê Thị Tâm Trang, lúc ấy mới chỉ là học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hùng Vương (TP.Long Khánh), đã sử dụng toàn bộ số tiền có được từ việc tiết kiệm nuôi heo đất của mình để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã Hàng Gòn nơi em sinh sống.

Chị Trịnh Thị Tứ, mẹ của em Trang, chia sẻ gia đình đã dạy Tâm Trang từ nhỏ về lòng nhân ái, sự sẻ chia, những điều Bác Hồ căn dặn thiếu niên nhi đồng... với mong muốn em sẽ trở thành một người tốt trong tương lai. “Số tiền đập heo đất ủng hộ 5 triệu đồng tuy không phải là lớn, song điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả là con thật sự hiểu về lòng nhân ái, sự sẻ chia với những người xunh quanh, biết hướng đến những điều tốt đẹp vì cộng đồng” - chị Tứ bày tỏ.

Anh Lê Quang Minh chia sẻ: “Nếu phải làm tăng ca cả tuần, tôi tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện vào chủ nhật, làm ca ngày thì tôi tranh thủ đi vào ban đêm và ngược lại… Vất vả là có, thời gian dành cho gia đình nhỏ cũng bị san sẻ đi, song hiểu được ý nghĩa của việc tôi làm, vợ tôi luôn ủng hộ, động viên. Tôi đang cố gắng làm thêm được nhiều việc ý nghĩa hơn nữa vì mọi người, nỗ lực phát huy tinh thần học Bác ở lòng nhân ái để sống tốt hơn mỗi ngày”.