Hiệu quả từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”

Tạp Chí Nhân Đạo
Sau hơn 12 năm phát động, Cuộc vận động (CVĐ) cùng với các mô hình nhân đạo của hội chữ thập đỏ (CTĐ) đã thực sự đi vào cuộc sống, trợ giúp thiết thực, kịp thời cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khó khăn trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững.

Những năm qua, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tôn giáo, các nhà hảo tâm luôn đồng hành với hội để cứu trợ, trợ giúp nhân đạo cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn... Đây chính là điều kiện thuận lợi để các cấp Hội CTĐ Phú Yên thực hiện hiệu quả CVĐ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động vào năm 2008, cũng như các mô hình công tác xã hội nhân đạo của hội thời gian qua.

nha-ctd
Hội Chữ thập đỏ tỉnh và CLB Đom đóm Phú Yên bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho một gia đình nghèo ở xã An Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: QUỐC TOÀN

Kết quả khả quan 

Sau hơn 12 năm phát động, CVĐ cùng với các mô hình nhân đạo của hội CTĐ đã thực sự đi vào cuộc sống, trợ giúp thiết thực, kịp thời cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khó khăn trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững. Thông qua đó, Hội CTĐ Phú Yên ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong hoạt động nhân đạo ở địa phương; năng lực vận động nhân đạo của cán bộ hội và vai trò, vị thế tổ chức hội ngày càng nâng cao. Từ những nỗ lực của các cấp hội, hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, khó khăn trong tỉnh đã vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Từ năm 2015 đến nay, thông qua CVĐ và các mô hình, các cấp hội trong tỉnh đã trợ giúp trên 20.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng dễ bị tổn thương khác với tổng trị giá trên 14,5 tỉ đồng. Thực hiện CVĐ, các cấp hội đã khảo sát, lập 5.973 hồ sơ địa chỉ nhân đạo, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận trợ giúp 4.290 địa chỉ bằng việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ tiền chữa bệnh, trao học bổng, phương tiện, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo… với tổng trị giá gần 6,1 tỉ đồng. Đặc biệt, từ năm 2019, Hội CTĐ tỉnh cũng đã lập hồ sơ và chuyển 220 hồ sơ địa chỉ nhân đạo lên hệ thống thông tin điện tử iNhandao của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam để kết nối người cần trợ giúp với các tổ chức thiện nguyện. 

Cùng với đó, thông qua các mô hình như: “Nhà Chữ thập đỏ”, chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, “Bếp ăn tình thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” đã vận động, hỗ trợ trên 17.500 lượt người nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá trên 8,8 tỉ đồng. 

Nhiều giải pháp 

Có thể nói, để đạt được những kết quả thiết thực như trên, ngay từ khi triển khai CVĐ và các mô hình nhân đạo, các cấp hội CTĐ đã đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ. Hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của CVĐ và các mô hình nhân đạo của hội để khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. 

Qua đó nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân trong và ngoài tỉnh chung tay đưa phong trào “Người người làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. 

Việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình nhân đạo của Hội CTĐ tỉnh đã kết nối, lan tỏa vòng tay nhân ái của cộng đồng. Kết quả này mang đến niềm vui, động lực cho các đối tượng yếu thế ở địa phương, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng, tạo dựng cuộc sống mới.

Mặt khác, các cấp hội cũng đã tổ chức điều tra, khảo sát, lập danh sách những hộ nghèo cần trợ giúp trên từng địa bàn một cách công khai, minh bạch. Đồng thời phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các cơ quan, đơn vị nhận trợ giúp địa chỉ nhân đạo do hội giới thiệu. 

Trong quá trình triển khai, các cấp hội thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về các địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp với các ban ngành, đoàn thể địa phương và các tổ chức, cá nhân; gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…, đưa CVĐ, các mô hình công tác xã hội nhân đạo đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. 

Thời gian tới, Hội CTĐ Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, nội dung của CVĐ và các mô hình nhân đạo của hội. Tăng cường chỉ đạo các huyện, thị, thành hội khảo sát, lập danh sách đối tượng khó khăn trên địa bàn để vận động nhà hảo tâm bảo trợ cho các đối tượng này. Hội sẽ củng cố và nhân rộng các mô hình nhân đạo phù hợp với đặc thù các vùng miền, cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng Phú Yên ngày càng phát triển.  

Theo TTTĐT Báo Phú Yên