Hành động để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Phạm Hà Mi
Theo các chuyên gia, bất cứ lộ trình giảm phát thải nào đều cần có quyết tâm cao từ các cơ quan Chính phủ và sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng, khối doanh nghiệp.

vh204804.jpgBan chủ trì Diễn đàn (từ trái qua phải): PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam; PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Uỷ viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.

Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 từ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), qua đó, khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay sau COP26, Việt Nam lập tức có hàng loạt các hành động, bước đi mạnh mẽ để hiện thực những cam kết. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 được thành lập do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Tại COP 27 vừa diễn ra cuối năm 2022, một lần nữa, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng đoàn đã tái khẳng định trước toàn thế giới về cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo TS. Đỗ Nam Thắng – Đại học Quốc gia Úc, quốc tế đánh giá rất cao cam kết của Việt Nam tại COP 26 cùng những hành động nhanh, quyết liệt của các cơ quan Chính phủ trong việc triển khai cam kết này. Điều này cũng đem đến những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút các nguồn tài chính quốc tế cho các mục tiêu biến đổi khí hậu.

TS Đỗ Nam Thắng chia sẻ việc Úc áp dụng 4 bước cơ bản nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Điều đầu tiên cần làm là thực hiện tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây là bước tốn ít chi phí nhất nhưng đem lại hiệu quả cao. Việt Nam đã có Luật quy định và sẽ cần thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Bước thứ 2 là chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo trong sản xuất điện. Dự thảo Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về vấn đề này và nếu được thông qua, đây sẽ là động lực rất lớn của ngành điện. Việc tạo ra nguồn điện không gây ô nhiễm là tiền đề thực hiện bước thứ 3, đó là điện hóa tất cả các quy trình sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiêu tốn năng lượng. Bước cuối cùng là tăng cường hấp thụ khí nhà kính thông qua bảo vệ, phát triển rừng và hệ sinh thái trên biển.

Để đạt phát thải ròng bằng 0 cần sự hợp tác của các Bên liên quan, trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất và cũng là bên tiêu dùng năng lượng lớn, là đối tượng chính phải giảm phát thải. Bên cạnh đó, tiếng nói của cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, giới khoa học cũng rất quan trọng, đặc biệt trong chuyển đổi nhận thức, hành động trong những vấn đề như tiêu dùng giảm phát thải, giá năng lượng… - TS Đỗ Nam Thắng nhấn mạnh.

vh204816.jpgĐại diện chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn

Đồng quan điểm, PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Uỷ viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đã qua hơn 1 năm Việt Nam triển khai cam kết tại COP26, các Bên cần nhìn nhận những vấn đề đặt ra hiện nay, cơ hội và thách thức để cùng đưa ra giải pháp đẩy mạnh tiến trình giảm phát thải nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Trong đó, việc quan trọng nhất là Chính phủ đã tạo ra cơ chế chính sách đủ để các Bên lên quan, ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chưa, còn điều gì chưa nghĩ tới hoặc chưa có điều kiện làm, cần rút kinh nghiệm và làm tiếp trong thời gian tới. Trước mắt, 2023 là năm bản lề với nhiều hoạt động triển khai Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có việc kiểm kê khí nhà kính từ cơ sở, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, phối hợp với các cơ quan quản lý để có “bước đà” tốt nhất, tạo bước đột phá trong giảm phát thải.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, năm 2022, Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thông qua cơ chế này, Việt Nam có thể nhận được hơn 15 tỷ USD từ các nước đối tác, nhưng đi kèm là áp lực nặng nề về giảm phát thải từ điện than hằng năm. Việt Nam sẽ phải đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì 2035 như mục tiêu trước đây và sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt phát thải ròng bằng 0.

Để thúc đẩy tiến trình này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định về kinh tế tuần hoàn, cũng như quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái, người gây ô nhiễm phải trả tiền… Muốn phát thải ròng bằng 0, các ngành kinh tế và các địa phương đều phải phát thải ròng bằng 0. Vì thế, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Một vấn đề nữa là xây dựng tiêu chí phân loại xanh để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn. Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Quyết định về ban hành tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Trong năm nay Bộ cũng sẽ xây dựng Kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành liên quan, và chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực môi trường, kinh tế môi trường, các doanh nghiệp đã trình bày những quan điểm, nêu ra các sáng kiến, giải pháp thực tiễn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển thị trường carbon và xây dựng công cụ kiểm soát khí nhà kính; phát triển các nguồn vốn tài chính xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam và quốc tế. Đây là những gợi mở để Việt Nam có thể hiện thực hóa cam kết NetZero vào năm 2050.