Hà Nội ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nguyễn Diệp Linh
Để ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành chức năng, sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ thương hiệu của mình.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, số vụ chống buôn lậu qua biên giới năm 2022 giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp. Thực tế này đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng đồng thời làm thất thu thuế cho Nhà nước.

Hà Nội là cơ quan đầu não của cả nước, cũng là đô thị lớn tập trung hoạt động giao thương, buôn bán đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, cuối năm, hàng hóa từ nhiều vùng miền đều đổ về khu vực trung tâm thành phố.

Trước thực tế này, thời gian qua các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã phối hợp kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

vnp-1-1669857782.jpg

Bằng mắt thường rất khó để nhận biết hàng giả, hàng nhái. Ảnh: TTXVN

 

Hàng trăm sản phẩm giày dép, quần áo, balo, túi xách… giả các nhãn hiệu nổi tiếng vừa bị Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tạm giữ tại 2 điểm kinh doanh trên phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đáng chú ý, những sản phẩm gắn mác "hàng hiệu" nhưng giá cả lại chênh cả triệu đồng thậm chí hàng chục triệu so với hàng chính hãng. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ cả trăm chai nước hoa mang nhãn mác các thương hiệu như Chanel, Gucci… được bày bán tại chợ đêm phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đều không có nguồn gốc xuất xứ, giá bán chỉ từ 150.000-300.000 đồng.

Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh hành giả ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, các sản phẩm bị làm giả, làm nhái trải đều ở tất cả các lĩnh vực, song nhiều nhất vẫn là hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng.

Lo ngại hơn, khi thương mại điện tử phát triển thì môi trường mạng cũng là kênh khó ngăn chặn và xử lý các gian thương để bảo vệ người tiêu dùng.

Anh Trần Việt Dũng, một khách hàng tại Hà Nội cho biết trong một giao dịch vừa qua, người nhà anh đã đặt mua một chiếc máy tính điện tử nhãn hiệu casio với giá hơn 1 triệu đồng, song khi nhận hàng thì sản phẩm lại không tốt, máy chập chờn, khó sử dụng, nhờ sự tư vấn của Công ty anh mới biết hàng mua không phải chính hãng và rất khó để đổi lại vì mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải căng mình chống đỡ với hàng giả, hàng nhái.

Ông Tô Duy Hải, Trưởng Ban Đội Ngoại, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết việc sản phẩm soup mì tôm Hảo Hảo bị làm giả và bán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian qua ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị rất nhiều. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng số lượng thiệt hại là khá lớn cả về doanh thu và thương hiệu.

“Tới đây Acecook Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương để ngăn chặn tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả,” đại diện Acecook cho hay.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã phát hiện 3.616 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu về cho ngân sách Nhà nước 430,166 tỷ đồng.

hang-gia-1-685-1669857928.jpgTháng 10/2022, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã phát hiện 3.616 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: báo Pháp luật Việt Nam
 

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan TP Hà Nội cho biết: “Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn cố tình khai sai hoặc không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hóa nhập khẩu, hay khai báo trị giá thấp để trốn thuế”.

Nhằm đảm bảo ổn định cho thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi, quần áo thời trang may sẵn, vải; thực phẩm bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,...

Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Việt, qua đó bảo vệ uy tín của doanh nghiệp sản xuất trong nước và quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Hạnh (T/h)