Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân: Vị Chủ tịch Hội vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng trong chính sách vì người nghèo

Nguyễn Hồng Hạnh
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân – con người đã tận hiến một đời cho sự nghiệp, nhắc đến Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mọi người sẽ nhớ đến Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân. Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, chúng ta tưởng nhớ đến ông, những việc làm của ông đã, đang và sẽ mãi mãi sống trong tình cảm và sự trân trọng yêu thương của những người làm công tác nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

“Thần y” đem lại ánh sáng và sự sống
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã đóng góp rất nhiều cho ngành Y nói chung và ngành Nhãn Khoa nói riêng cũng như cho toàn xã hội
Giáo sư, Viện trưởng Viện mắt Trung ương Nguyễn Trọng Nhân làm nên thương hiệu “Danh y nhãn khoa” Việt Nam. Tên của ông mang theo niềm tin ánh sáng cho hàng triệu người khiếm thị trong và ngoài nước.

gs-nhan-2-1661706040.jpg
GS. Nguyễn Trọng Nhân và GS. Fred Hollows trao đổi về máy hiển vi phẫu thuật  năm 1982

Sau này mọi người mới biết, việc thay thủy tinh thể nhân tạo, đồng thời ghép giác mạc trên cùng giác mạc để chữa một loại loét giác mạc ác tính là của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân. Hàng triệu người mang ơn ông, họ ca ngợi ông như một “thần y” đem lại ánh sáng và sự sống:
Sáng mắt rồi, đời vui phơi phới
Thắm tình người khắp Bắc Trung Nam

Những lời ca đó làm cháy lên niềm tin, tình yêu với người thầy thuốc. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân quý trọng đôi mắt, cả đời ông say mê nghiên cứu về mắt.
Trong ngành Nhãn khoa Việt Nam, nhiều người còn nhớ năm 1965, khi ông mới ở Liên Xô về nước, cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc khốc liệt. Bệnh viện phải sơ tán lên Bắc Giang, ông cùng nhóm nghiên cứu đã áp dụng sáng kiến sản xuất “chỉ tự tiêu” làm từ gân đuôi con chuột. Sáng kiến này rất có giá trị được phổ biến ngay cho tỉnh. Nhờ sáng kiến này đã cứu được nhiều bộ đội và nhận dân trong thời chiến không bị mù mắt.
Ông và đồng nghiệp có nhiều lần ra phục vụ các đơn vị phòng không tại mặt trận. Trong hoàn cảnh thời chiến thiếu thốn, khó khăn không kịp vận chuyển bệnh nhân về tuyến dưới, ông yếu cầu mắc màn để ông tiến hành phẫu thuật cho bộ đội ngay tại chỗ. Hình ảnh đó của bác sĩ Nhân như một bài ca không quên trong lòng bộ đội và nhân dân mọi miền Tổ quốc.
Tận tụy với nghề nghiệp, GS. Nhân đã có nhiều công trình khoa học, sáng kiến cải tiến trong lĩnh vực nhãn khoa: Về ghép giác mạc, phục hồi chức năng thị giác cho người mù, lắp giác mạc nhân tạo, phát hiện sớm và điều trị bệnh cao nhãn áp, phẫu thuật đục thủy tinh thể, lắp thủy tinh thể nhân tạo, bong võng mạc, ấu trùng sản nội nhãn... Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nhãn khoa thế giới, GS. Nhân đã nghiên cứu một phương pháp mổ mới - phẫu thuật kẹt củng mạc được áp dụng ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Pháp... đồng nghiệp trên thế giới hoan nghênh, họ đặt tên cho công trình là “phẫu thuật Nhân”.
Hết lòng, tận tụy với công việc
Ông Nguyễn Trọng Nhân là nhà khoa học nhưng cũng là nhà quản lý giỏi. Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VI và khóa VII (1986-1996) nhưng vẫn làm Viện trưởng Viện mắt Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (từ tháng 9/1987) trước khi Bộ Chính trị quyết định cử về làm Bộ trưởng Bộ Y tế.

gs-nhan1-1661705993.jfif
GS. Nguyễn Trọng Nhân thăm hỏi, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai.

Ông Nguyễn Trọng Nhân có 17 năm (1987 - 2003) làm Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nhân đã hết lòng, tận tụy với công việc để lại dấu ấn đậm nét. Ông dìu dắt Hội từ khi có 10 cán bộ, đến nay đã có hàng ngàn cán bộ làm nên “thương hiệu Chữ thập đỏ” nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, bác sỹ Lê Công Tâm (Phó Chủ tịch Hội) cùng tập thể lãnh đạo Hội đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 07/9/1987 về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Đây là Chỉ thị đầu tiên của Đảng về công tác Hội, được coi như “bùa hộ mệnh” giúp Hội từng bước xây dựng tổ chức ở 4 cấp từ Trug ương đến tỉnh, huyện, xã. Ban Bí thư xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát triển toàn diện, làm nòng cốt trong hoạt động nhân đạo của đất nước.
Trong 17 năm công tác tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân cùng lãnh đạo Hội đã dành nhiều tâm sức, trí tuệ để củng cố, phát triển tổ chức Hội vững mạnh, lâu dài. Vì có ông Chủ tịch vững tay chèo lái, biết vận dụng sáng tạo đường lối nhân đạo của Đảng trong chính sách vì người nghèo nên đã thu hút sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo.
Quá trình công tác tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông đi cơ sở rất nhiều. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng đau thương, quằn quại, dai dẳng của những nạn nhân da cam ông rất thấm thía nỗi đau đó. Ông bàn bạc cùng lãnh đạo Hội đề xuất với Đảng và Nhà nước thành lập “Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam”. Đồng thời, ông là người đề xuất “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã kiên trì vận động các cơ quan, lãnh đạo các cấp lo được chế độ chế độ cho cán bộ Hội ở cơ sở…
Thấu hiểu được khó khăn của người dân nghèo, những chuyến đi công tác địa phương, ông thường mang tặng phẩm của gia đình, có khi cả tiền lương để tặng cho bà con nghèo. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân là một con người mẫu mực, những người bạn của ông đều biết Nhà nước cấp cho ông 60m2 đất để làm nhà, ông đã từ chối và nhường cho người khác.
Nhắc đến Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mọi người sẽ nhớ đến Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân. Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, chúng ta tưởng nhớ đến ông, những việc làm của ông đã, đang và sẽ mãi mãi sống trong tình cảm và sự trân trọng yêu thương của những người làm công tác nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Với những đóng góp của mình cho đất nước, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hàng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huy chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Chữ thập đỏ Hàn Quốc, Nhật; Bằng khen của Hội Nhãn khoa châu Á, Thái Bình Dương; Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 1989; và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Diệu Ân